Cán bộ Tư pháp phải lấy lợi ích của dân làm thước đo

25/06/2008
Chiều ngày 24/6/2008, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cùng lãnh đạo các đơn vị: Cục thi hành án, Vụ pháp luật Hình sự - hành chính, Vụ hành chính tư pháp, Văn phòng Bộ Tư pháp đã về kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008 tại Sở Tư pháp Ninh Bình. Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh, đồng chí Lê Văn Chắt, Giám đốc Sở Tư pháp tiếp và làm việc với đoàn. Tham dự và báo cáo kết quả công tác với đồng chí Thứ trưởng còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, các đồng chí Phó giám đốc Sở Tư pháp, trưởng phó các phòng, trung tâm, đơn vị thuộc Sở Tư pháp.

Về những kết quả công tác đã triển khai, đồng chí Lê Chí Vịnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp báo cáo: 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp Ninh Bình đã tham gia đóng góp ý kiến vào 10 dự thảo văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL), thẩm định 32 dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh; rà soát 131 VBQPPL (32 văn bản của UBND tỉnh, 99 văn bản của UBND cấp huyện), qua rà soát có 35 văn bản hết hiệu lực, kiến nghị bãi bỏ 10 văn bản. Tính đến hết ngày 31/5/2008 các cơ quan Thi hành án trong tỉnh có nhiệm vụ tổ chức thi hành 3.420 việc với số tiền trên 77 tỷ đồng. Qua rà soát, phân loại số án có điều kiện thi hành là 1.702 việc với số tiền có khả năng thu gần 11,6 tỷ đồng. Ngoài việc uỷ thác 61 việc với số tiền trên 2,4 tỷ đồng, các cơ quan Thi hành án trong tỉnh đã tổ chức thi hành theo thẩm quyền 885 việc, thi hành đều 48 việc, đình chỉ 62 việc, thi hành dở dang 425 việc, thu cho ngân sách 1,2 tỷ đồng, thu cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội 365 triệu đồng, thu cho công dân 1,5 tỷ đồng và thu bằng tài sản ước đạt khoảng 775 triệu đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có bước chuyển biến tích cực. Các cơ quan tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế ngành, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đã thường xuyên chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật như in sao cấp phát băng đĩa, cấp phát miễn phí hàng chục ngàn tờ rơi, tờ gấp pháp luật thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động. Tổ chức có hiệu quả hoạt động hoà giải cơ sở và các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Việc quản lý khai thác các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học ngày càng nề nếp, mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Ninh Bình đã tiếp tục mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh để giới thiệu các văn bản pháp luật mới. Các chuyên trang, chuyên mục pháp luật và đời sống đã và đang phát huy tác dụng tốt, thực sự là cầu nối giữa nhà nước, pháp luật với công dân. Sau khi nghe phản ánh và các đề xuất giải quyết những khó khăn với công tác tư pháp địa phương, ý kiến tham gia của đại biểu Cục thi hành án và các vụ thuộc Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Thế Liên, thứ trưởng Bộ Tư pháp biểu dương những thành tích của cán bộ công chức ngành tư pháp đạt được trong 6 tháng đầu năm 2008, nhất trí với các giải pháp và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ ngành tư pháp cần chủ động, tích cực, sáng tạo hơn nữa với công tác tư pháp địa phương. Ngành Tư pháp phải thực sự gác cổng cho tỉnh về công tác ban hành các VBQPPL, nhiều văn bản cần ban hành ngay để điều chỉnh các quan hệ xã hội đang phát sinh thì rất cần ngành tư pháp tích cực, nhanh chóng thẩm định và có ý kiến về mặt pháp lý để UBND tỉnh sớm ban hành. Những văn bản được xây dựng theo kế hoạch từ trước sẽ có nhiều thời gian hơn cho công tác soạn thảo, thẩm định theo qui trình. Phát biểu với cán bộ, công chức ngành Tư pháp Ninh Bình đồng chí Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng: công tác Tư pháp Ninh Bình thời gian qua đã luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và nhu cầu kinh tế càng phát triển thì càng đặt ra yêu cầu cao hơn với ngành Tư pháp. Công tác Tư pháp có được coi trọng hay không còn do chính cán bộ, công chức ngành tư pháp Ninh Bình quyết định. Mỗi cán bộ cần cố gắng hết mình, những khó khăn đó với tư cách là một công chức chúng ta phải có trăn trở gì, đề xuất giải pháp gì cho phù hợp để đẩy mạnh công tác tư pháp địa phương phát triển. Ai cũng nêu khó khăn mà không nêu giải pháp thì công tác Tư pháp sẽ thế nào? Người cán bộ tư pháp phải tìm đến việc. Chúng ta biết rằng công tác tư pháp không làm “ra ngô, ra khoai”. Công tác Tư pháp có sản phẩm vô hình, vậy để cho lãnh đạo địa phương thấy được vai trò của ngành Tư pháp, để xã hội, nhân dân đánh giá đúng vai trò của Tư pháp thì chúng ta phải cố gắng khác người, làm hơn người. Cán bộ tư pháp càng lăn lộn vào cuộc sống thì càng trưởng thành. Bên cạnh nhiều cán bộ rất yêu nghề vẫn có nhiều cán bộ chưa thực sự cố gắng - đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp băn khoăn. Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên lưu ý: - Công tác xây dựng pháp luật: Đây là việc làm quan trọng hết sức đặc thù của ngành tư pháp. Cán bộ ngành tư pháp phải gác cổng về mặt pháp lý chứ không thể thẩm định mang tính thủ tục. Khi nêu ra một kết luận phải có lập luận, dẫn chứng chính xác. Hoặc là phải có lập luận, chứng minh mới đi đến kết luận. Có làm được như vậy thì các văn bản do ngành Tư pháp chuẩn bị mới thực sự có chất lượng. Chúng ta phải bảo đảm các văn bản do ngành chuẩn bị không được kém hơn văn bản do ngành khác chuẩn bị. - Công tác thi hành án nếu không gắn kết với chính quyền địa phương sẽ không thể có kết quả mong muốn. Về những khiếu nại trong công tác thi hành án, đồng tình với quan điểm của Cục trưởng Thi hành án, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thống kê, rà soát, phân loại án của các cơ quan thi hành án địa phương. Bởi vì ranh giới giữa án có điều kiện và không có điều kiện thi hành là rất mong manh. Đó là do đánh giá mang tính chủ quan của mỗi cán bộ, chấp hành viên. Chỉ có kiểm tra, giám sát chúng ta mới biết được việc phân loại đó có đúng hay không. Đồng chí cũng chia sẻ nỗi băn khoăn về tình trạng nhiều cán bộ chưa sâu sát, chưa làm tốt công tác vận động quần chúng trong thi hành án, Vì thi hành án dân sự thực chất cũng là một việc dân sự - việc của dân. Trước những bức xúc về tình trạng cải chính hộ tịch đang có nhiều diễn biến không bình thường ở một số nơi, với một số nhóm đối tượng cụ thể, như tình trạng “trẻ mãi không già”, càng ngày giấy khai sinh càng mới, tuổi càng được rút ngắn với một số cán bộ công chức chưa muốn nghỉ hưu, Thứ trưởng chỉ đạo, Sở Tư pháp Ninh Bình cần tăng cường kiểm tra việc cấp lại giấy khai sinh, cải chính hộ tịch, cấp giấy khai sinh quá hạn… để ngăn chặn tình trạng làm sai. Để tránh việc làm sai của cán bộ tư pháp, hộ tịch cơ sở cần tập huấn nghiệp vụ và thường xuyên kiểm tra, uốn nắn; kiên quyết đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí đúng cán bộ tư pháp, hộ tịch đã qua đào tạo. Không được lẫn lộn việc phân cấp cho cơ sở với việc có cán bộ cơ sở có sai sót để đề nghị chuyển nhiệm vụ đã phân cấp trở lại như trước đây. Cán bộ tư pháp phải lấy quyền lợi của dân làm thước đo. Việc kết hôn với người nước ngoài là quyền của các bên nhưng cần thận trọng, khi phỏng vấn phải phân tích cho người phụ nữ thấy được quyền và lợi ích hợp pháp của họ được luật pháp bảo vệ. Nói về phương pháp thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp địa phương Thứ trưởng Liên cho rằng: Khi có việc chúng ta phải biết phối hợp với nhau, chia nhỏ ra để cùng làm. “ Sức mạnh của ngành tư pháp chính là nghệ thuật phối hợp các lực lượng, phối hợp với các ngành”. Những chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Hoàng Thế Liên là rất cụ thể và sâu sắc, hy vọng những chỉ đạo đó sẽ được mỗi cán bộ, công chức ngành tư pháp thực hiện nghiêm túc trên tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

Tạ Quý Dương