Làm việc với UBND, Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng khác của hai tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác đã lắng nghe những băn khoăn, tồn tại, những kết quả làm được và chưa được về tình hình công tác tư pháp 5 tháng đầu năm 2008 của hai tỉnh này. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và lãnh đạo địa phương đã trao đổi thẳng thắn và đưa ra ý kiến đánh giá, chỉ đạo hướng giải quyết.
Một trong những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhất hiện nay của tư pháp địa phương đó là thiếu cán bộ tư pháp cơ sở, thêm vào đó là trình độ của cán bộ hạn chế, hệ quả kéo theo của cái tồn tại, vướng mắc này là kết quả, chất lượng công việc không cao và có sai sót.
Qua báo cáo của GĐ Sở Tư pháp Tuyên Quang, Lý Văn Binh cho thấy, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã chưa cao, còn có văn bản không đúng pháp luật. Có sai sót trong việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của cấp huyện, cấp xã. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu về chất lượng, 72,7% chưa có trình độ chuyên môn luật và thiếu về số lượng (hiện vẫn còn 10 xã chưa có công chức tư pháp xã).
Tư pháp cơ sở vốn đã thiếu thốn cán bộ, nhưng vì chế độ đãi ngộ còn thấp nên một số cán bộ trong biên chế đã “chạy” sang ngành khác, đã thiếu lại càng thiếu hơn. Bày tỏ sự lo ngại về việc “chảy máu cán bộ”, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang trình bày với Bộ trưởng, trong năm 2007, có hai cán bộ biên chế xin thôi việc, chuyển ngành nghề khác vì điều kiện sống, lương chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, nhà ở vùng núi, trong khi phải xuống các huyện để công tác nên sau khi xong việc phải ở trọ tại cơ quan.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Chiêm Hoá nêu ra vấn đề đáng quan tâm, hiện nay mức công việc đang quá tải, trong khi cán bộ tư pháp huyện lại thiếu vì vậy có xã cán bộ vừa làm cán bộ hộ tịch vừa kiêm phó công an xã. Nên nhiều khi công việc đang chất đống nhưng vẫn phải để cán bộ đi giải quyết vụ việc hình sự. Do vậy kiến nghị Bộ xem xét duyệt thêm biên chế, bổ sung cán bộ cho huyện. Còn tại huyện Hàm Yên, chỉ có 2 cán bộ tốt nghiệp đại học Luật tại chức, còn lại ở các xã, cán bộ tư pháp đều học qua trung cấp nhưng ở các ngành học khác chuyển sang.
Để giải quyết vấn đề biên chế cán bộ tại các huyện của Tuyên Quang, GĐ Sở Tư pháp, Lý Văn Binh cho hay, vừa qua Sở đã tham mưu cho Tỉnh ban hành Nghị quyết về việc bổ sung cho tư pháp mỗi huyện 1 biên chế. Tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết vẫn còn gặp một số vướng mắc vì không tìm được người. Theo ước tính, mỗi năm con em của địa phương theo học đại học Luật cũng không phải là ít nhưng chỉ tìm cách bám trụ lại thành phố hay làm trái ngành chứ không chịu về làm tư pháp vì lương thấp.
Mặc dù không có xã nào thiếu cán bộ tư pháp như Tuyên Quang nhưng Yên Bái lại thiếu cán bộ biết tiếng dân tộc nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gặp không ít khó khăn. Với 70 xã thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải vì vậy việc đi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn vì đường sá khó đi, thôn, bản cách nhau cả mấy ngày đường, bên cạnh đó, bất đồng ngôn ngữ cũng là vướng mắc chưa thể tháo gỡ ngay được. Vì đang rất thiếu cán bộ biết tiếng dân tộc, nên Sở đang mở các lớp học tiếng Mông cho cán bộ để thuận tiện cho việc nói chuyện, tuyên truyền phổ biến pháp luật tới đồng bào dân tộc. Tuy nhiên Sở cũng kiến nghị xem xét cho những cán bộ biết tiếng Mông khi đi thi chuyên viên chính được miễn môn thi ngoại ngữ.
Không chỉ tư pháp gặp khó khăn trong việc tìm cán bộ biết tiếng dân tộc mà cả 3 ngành khác là Công an, Viện KS, Toà án cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xử lý những đối tượng phạm tội là người dân tộc. Trong quá trình hỏi cung hay xét xử đều cần phải có phiên dịch, nhưng chi phí mời phiên dịch chỉ có thể trả theo quy định 50 nghìn/buổi, do vậy phiên dịch viên chê ít quá không làm. Vậy kiến nghị cho phép tuyển cán bộ là người dân tộc có trình độ hết lớp 10 để giúp việc cho các cơ quan pháp luật- Phó viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái, Nguyễn Văn Minh nói.
Bộ trưởng lo lắng vì phần lớn cán bộ tư pháp xã không có trình độ pháp luật
Theo báo cáo của GĐ Sở Tư pháp Yên Bái cho thấy chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa đồng đều, nhất là cấp cơ sở trình độ của cán bộ tư pháp còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bên cạnh đó là việc thiếu ý thức chấp hành kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, trách nhiệm đối với công việc trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa cao; một số cán bộ chưa chuyên tâm với công việc. Có lẽ vì những lý do trên nên chất lượng chứng thực, nhất là chứng thực các giao dịch, hợp đồng của UBND cấp xã chưa cao; tình trạng cấp giấy tờ hộ tịch tuỳ tiện, cấp bản sao không có sổ gốc, ghi thiếu thông tin trên giấy tờ hộ tịch còn xảy ra nhiều.
Còn theo GĐ Sở Tư pháp Tuyên Quang, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã chưa cao, còn nhiều văn bản không đúng pháp luật. Còn những sai sót trong việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của cấp huyện, cấp xã. Một phần nguyên nhân của tồn tại là chính quyền cấp xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tư pháp ở cơ sở; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn yếu kém. Ở huyện Sơn Dương cũng vướng phải vấn đề cán bộ tư pháp trình độ còn hạn chế hoặc không đáp ứng được nhu cầu công việc, thiếu cán bộ biên chế. Hầu như không tuyển được cán bộ có trình độ vì những người này không muốn làm hoặc có làm thì cũng chuyển công việc khác sau vài năm bởi lương thấp.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tỏ ra rất lo ngại với con số hơn 70% cán bộ hộ tích, tư pháp cấp xã không được đào tạo cơ bản mà lại làm công tác chứng thực, công tác hộ tịch, công tác tham mưu cho cấp uỷ chính quyền trong vấn đề thực thi luật pháp. Tôi không biết là các đồng chí cầm tay chỉ việc hay các đồng chí hướng dẫn qua điện thoại, qua lớp này lớp khác… có đủ nền tảng hay không? “Khi tôi về Bộ nắm tình hình, có đồng chí cấp vụ nói với tôi rằng mặc dù làm công tác hơn 30 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng nếu về một vụ việc cụ thể bảo tôi áp dụng văn bản pháp luật nào tôi xin khất một tuần để trả lời, thế bây giờ lại tham mưu cho Chủ tịch xã về vấn đề này, vấn đề kia đúng luật hay sai luật…nguy hiểm lắm.
Chỉ cần làm chứng thực cho một bằng đại học giả thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu, đó là chưa nói đến việc cán bộ yếu kém, không đủ trình độ sẽ dễ gây ra không ít khiếu kiện khi việc giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật của nhân dân. Thêm vào đó 10 xã hiện nay chưa có cán bộ, còn một số xã cán bộ xã làm cả phó công an xã thế thì làm sao làm hết các chức năng nhiệm vụ của tư pháp được, tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn - Bộ trưởng trăn trở.
Muốn nâng cao chất lượng tư pháp phải đột phá ở khâu đào tạo. Quan trọng nhất là thi tuyển đầu vào, đừng để tình trạng thi trượt đại học ở lại làm cán bộ xã, rồi được cử đi học, yên tâm là có chỗ rồi, học không đến nơi đến chốn, sau đó ra trường về cũng không làm được việc, nhưng lại khoác lác là trình độ đại học luật, trung cấp luật, rồi tham mưu đủ việc cho Chủ tịch, Bí thư…nguy hiểm lắm. Đầu vào như nào, chất lượng đào tạo ra làm sao, kết qua ra trường như thế nào, đấy là câu chuyện- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Tuyên Quang, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp Trần Văn Quảng cho biết, khi phê duyệt kinh phí đào tạo cán bộ tư pháp, Bộ trưởng đã yêu cầu phải dành khoảng 50% cho địa phương để bồi dưỡng trình độ tư pháp, tin học cho cán bộ.
Cũng trong chuyến công tác này, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã đến thăm khu di tích, nơi cách đây 59 năm trụ sở Bộ Tư pháp là trụ sở của Bộ Tư pháp tại thôn Mới, xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang.
Q.D
Về công tác thi hành án dân sự của Tuyên Quang, tổng số việc phải thi hành là 2.995 việc với tổng số tiền 16,2 tỷ đồng, trong đó số chưa có điều kiện thi hành là 1.896 việc với số tiền 12,4 tỷ đồng; số có điều kiện thi hành là 1.099 việc, với số tiền 3,8 tỷ đồng. Hiện đã thi hành xong 968 việc và giải quyết xong hơn 3 tỷ đồng. Còn ở Yên Bái, tổng số việc thụ lý và phải thi hành là 4718 việc với tổng số tiền hơn 27,7 tỷ đồng nhưng chỉ có điều kiện thi hành 1.298 việc, còn lại là không và khó có điều kiện thi hành. Trước tình trạng việc không có điều kiện thi hành quá cao ở 2 tỉnh trên, Bộ trưởng yêu cầu Thi hành án của 2 tỉnh phải tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát án có điều kiện và không có điều kiện thi hành. |