Tuyên truyền pháp luật: Cần nhân rộng những mô hình điểm

25/04/2008
Tuyên truyền pháp luật: Cần nhân rộng những mô hình điểm
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình PBGDPL của Chính phủ diễn ra  ngày 25/4, rất nhiều mô hình điểm, kinh nghiệm quý trong công tác tuyên truyền pháp luật đã được các đại biểu chia sẻ, thảo luận. Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành, địa phương nói lên khó khăn của mình để Chính phủ có những biện pháp tháo gỡ.

Đem đến cái người dân cần

Những năm trước đây, một trong những điểm yếu của công tác tuyên truyền là ở nhiều nơi, cán bộ chỉ đem đến những cái mà họ có chứ không để ý đến chuyện người dân cần gì. Vấn đề này đã được khắc phục trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL từ năm 2003 -2007. Công tác tuyên truyền dần được xã hội hoá và trở thành nhiệm vụ chung của các cấp, ngành. Đã có nhiều mô hình điểm xuất hiện ở các địa phương. Tại huyện Tiên Lãng - Hải Phòng nhiều năm nay UBND huyện đã cho thành lập Tổ tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý,  Phòng Tư pháp với vai trò nòng cốt, thành viên là lãnh đạo các ngành trong huyện. Trước mỗi đợt đi tư vấn pháp luật tại cơ sở, Tổ công tác đều cử cán bộ xuống tận địa bàn dân cư để khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền thì cách làm này khiến bà con cảm thấy tự tin, dễ dàng cởi mở hơn. Từ đó chính quyền cơ sở cũng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân - một điều mà nếu như chỉ bằng hình thức tuyên truyền qua hội nghị, thì chính quyền sẽ không bao giờ biết được người dân mong đợi gì.

Còn ở vùng biên giới Cao Bằng – nơi có đường biên dài hơn 300 km giáp với Trung Quốc, Bộ đội biên phòng tỉnh lại sử dụng lực lượng đoàn viên thanh niên làm lực lượng xung kích trong công tác tuyên truyền pháp luật. 38 Ban chấp hành Đoàn xã, 162 chi đoàn thôn xóm bản, đã được củng cố về tổ chức. Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát động phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn ANTT thôn bản khu vực biên giới”. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền dể hiểu và hấp dẫn (như qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ pháp luật, qua công tác tra ở khu vực biên giới, qua phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật…)  người dân khu vực biên giới đã được phổ biến các nội dung pháp luật thiết thực với cuộc sống của họ như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, anh ninh biên giới quốc gia…Với sự vào cuộc một cách ráo riết của các tổ chức đoàn cơ sở, tình hình vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới này đã giảm hẳn. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt.

Một điều đáng lưu ý là các hình thức phổ biến pháp luật vừa đa dạng, vừa hấp dẫn được triển khai mạnh mẽ nhất ở các khu vực mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tại Đăk Nông, Đăk Lăk…hàng trăm ngàn tờ gấp, băng cat - set có nội dung pháp luật, được biên soạn bằng tiếng dân tộc đã được phát miễn phí đến tận tay bà con. Thừa Thiên Huế đã lựa chọn các điểm có đông tín đồ tôn giáo để phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp. Tỉnh Hà Giang tuyên truyền pháp luật qua các chợ phiên, Lào Cai lại dàn dựng các tiểu phẩm, tiết mục thâu vào băng cat set phát trên hệ thống phát thanh cơ sở…

Khó có thể kể hết các hình thức tuyên truyền sáng tạo và hiệu quả ở các địa phương hiện nay. Chỉ biết rằng, mỗi nơi là một cách làm để phù hợp với từng loại đối tượng và điều kiện ở địa phương mình. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trong bài tổng kết, cũng đã ghi nhận sự tìm tòi của các cơ quan ban ngành và địa phương trong việc vận dụng sáng tạo các hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc thể nghiệm các hình thức mới.

Tuyên truyền tốt, cần nhiều yếu tố.

Mặc dù đã có chuyển biến trong cách thức tuyên truyền, tuy nhiên đại đa số các đại biểu vẫn cho rằng công tác này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi nhiệm vụ này bị xem nhẹ hoặc đang được làm một cách hình thức. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra tại Hội nghị là sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương nhiều nơi còn lỏng lẻo. Và để chuyển biến tình hình thì phải coi đây là khâu “đột phá”. Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Y DHăm Ênuôl đã mạnh dạn: phải đưa tuyên truyền pháp luật trở thành nội dung thường xuyên trong các buổi sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên hơn ai hết phải là người hiểu pháp luật. Có hiểu luật thì mới lãnh đạo tốt. Cùng chung vấn đề này, Ông Nguyễn Sơn Ca- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau đề nghị: Chính phủ cần chỉ đạo HĐND, UBND các cấp tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền (cả về biên chế, kinh phí và phương tiện làm việc), phải coi tuyên truyền là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng ngành tư pháp.

Về vấn đề kinh phí cho công tác tuyên truyền, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng: cần phải đầu tư kinh phí nhiều hơn cho cơ sở, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kinh phí có đủ thì mới có thể in tờ rơi, tờ gấp để phát miễn phí cho người dân- một hình thức mà lâu nay chúng ta đánh giá là rất hiệu quả. Nhưng không có kinh phí thì không thực hiện được. Bên cạnh đó, phải có chính sách khuyến khích động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân làm tốt. Các mô hình điểm cần phải được đánh giá, tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Cũng tại hội nghị tổng kết 5 năm chương trình PBGDPL của Chính phủ nói trên, nhiều đại biểu đã kiến nghị với Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Việc này thời gian qua Bộ đã làm nhưng chưa thường xuyên, liên tục. 

(Thu Hằng, ảnh Thành Trung)

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình PBGDPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng Bằng khen cho 7 tập thể có thành tích trong công tác PBGDPL giai đoạn 2003 – 2007:

1.     Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp)

2.     Vụ Pháp chế (Bộ Công an)

3.     HĐPHCT PBGDPL Bộ Quốc phòng

4.     Ban Chính sách Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính)

5.     Sở Tư pháp tỉnh Nam Định

6.     Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng

7.     Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã tặng Bằng khen cho 42 tập thể và 45 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL giai đoạn 2003 – 2007.