Trong 2 ngày 18 và 19/4, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với chính quyền và ngành Tư pháp Lai Châu và Điện Biên. Đây là hai tỉnh vốn được tách ra từ tỉnh Lai Châu (cũ) nên những thuận lợi và khó khăn của ngành Tư pháp hai tỉnh cũng có nhiều điểm tương đồng, nhất là vấn đề thiếu cán bộ tư pháp và THADS.
Bài toán thiếu người
Tiếp nhận khoảng 30% cán bộ của tỉnh Lai Châu (cũ), tỉnh Lai Châu mới phải tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Giàng thừa nhận, ở Lai Châu thiếu cán bộ trầm trọng và cán bộ cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Sau 2 năm thực hiện các biện pháp thu hút cán bộ thì Lai Châu cơ bản cũng chỉ đáp ứng được số lượng chủ yếu cho ngành giáo dục đào tạo. Còn đối với những ngành như tư pháp, đặc biệt là THADS, thì thiếu vẫn thiếu.
Mặc dù là tỉnh miền núi biên giới nhưng đa số cán bộ, công chức của Sở Tư pháp Lai Châu là người dân tộc Kinh từ các tỉnh miền xuôi lên, chỉ có 2 người là người dân tộc ít người (1 người dân tộc Thái và 1 người dân tộc Nùng). Sở đã cố gắng làm tốt công tác tuyển dụng, phấn đấu đến cuối năm sẽ tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế tại cấp tỉnh, nhưng khó khăn chính là cán bộ tư pháp cơ sở và cán bộ của THADS. Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu Nguyễn Quang Tản cho biết, đến nay phòng Tư pháp huyện Phong Thổ vẫn chưa có trưởng, phó trưởng phòng. Các cơ quan THADS cũng thiếu đến 21 biên chế, trong đó THADS tỉnh thiếu 6 người và THADS huyện thiếu 15 người.
Mỗi năm Sở Tư pháp Lai Châu đã mở 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (13 chuyên đề trong 7 ngày) nhưng vẫn chưa đào tạo cơ bản được cho tất cả các cán bộ tư pháp cấp xã. Hiện cả tỉnh có 6 phòng Tư pháp, 94 ban Tư pháp xã, nhưng chỉ có 3 trưởng phòng có trình độ cử nhân Luật, 46 cán bộ tư pháp xã có trình độ trung cấp pháp lý, còn lại là chưa được đào tạo khiến việc chỉ đạo công tác đến cấp xã gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Vũ Bường cho biết, công tác tổ chức cán bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tuyển dụng người có đủ điều kiện vào làm công tác tư pháp. Đồng thời với khó khăn đó là một bộ phận công chức chưa thực sự yên tâm với nghề tư pháp đã xin ra hoặc đang xin ra khỏi ngành tư pháp và cơ quan THADS. Các cơ quan THADS ở Điện Biên hiện mới có 93/103 biên chế được giao. Chính vì chưa đủ cán bộ nên Điện Biên vẫn còn 1 cơ quan THADS huyện có 1 trưởng, 1 cơ quan THADS huyện có 1 phó và 2 huyện mới có 1 chấp hành viên.
Thiếu nhưng không tuyển được người là vấn đề hóc búa đối với các cơ quan THADS ở Điện Biên và Lai Châu. Nguồn cán bộ tại địa phương thì không có, còn để kêu gọi được cán bộ từ dưới xuôi lên làm việc gần như là chuyện không tưởng. Do đó, Trưởng THADS tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Chiến đã đề nghị được đặc cách cho tuyển 1/3 biên chế là những người dân tộc thiểu số được đào tạo trung cấp Luật để lấp lỗ hổng do thiếu nhân sự trong các cơ quan THADS tỉnh biên giới này. Trưởng THADS tỉnh Lường Văn Sương cũng đã đề nghị để các tỉnh như Điện Biên được tuyển dụng người dân tộc thiểu số, đã qua đào tạo trung cấp luật chính qui cho cơ quan THADS cấp huyện. Điều đó bắt nguồn từ thực tế của Điện Biên là có nhiều người nộp hồ sơ xin vào cơ quan THADS nhưng “kèm” yêu cầu “chỉ làm việc ở “lòng chảo” (TP.Điện Biên Phủ và các huyện lân cận – PV)”, chứ không chịu đi các huyện như Mường Nhé, Mường Ảng... Thậm chí đã có trường hợp được phân công lên công tác ở huyện xa, lấy cớ xin về lấy đồ dùng cá nhân rồi… “một đi không trở lại”. Mà vấn đề là chỉ những huyện xa, gần biên giới thì mới đang thiếu cán bộ THADS.
Lời giải phải “đúng người, đúng việc”
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, nguồn nhân lực là một điểm yếu của các tỉnh miền núi, nhất là những tỉnh mới tách ra như Lai Châu, Điện Biên. Trước những khó khăn về nhân sự của các cơ quan Tư pháp và THADS ở hai tỉnh miền núi Tây Bắc này, Bộ trưởng đã hứa sẽ tạo mọi điều kiện để cùng chính quyền Điện Biên, Lai Châu, các cơ quan tư pháp và THADS ở hai tỉnh kiện toàn được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp cấp xã và THADS cấp huyện với tinh thần: đúng người, đúng việc. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp quan trọng nhất là chất lượng. Muốn vậy, ngay từ đầu vào phải tốt và khi đã vào ngành phải xác định làm việc cho tốt, làm việc có trách nhiệm. Lực lượng cán bộ tư pháp địa phương phải đảm nhiệm được trách nhiệm tham mưu, thẩm định cho chính quyền.
Để làm được điều này, Bộ trưởng đã nhắc nhở chính quyền và các cơ quan tư pháp hai tỉnh sớm xây dựng lộ trình kiện toàn đội ngũ cán bộ (đến năm 2010 hoặc 2012) với mục tiêu có đội ngũ cán bộ được đào tạo nghề cơ bản. Bộ trưởng cũng khẳng định, vì Lai Châu phải xây dựng mới hoàn toàn nên Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch cho tỉnh “mượn” 10 cán bộ/năm (trong thời gian 3 năm) để trước mắt giải quyết những bất cập do thiếu nhân lực và tạo điều kiện để tỉnh có thời gian đào tạo đủ đội ngũ cán bộ tư pháp và THADS đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, trong năm 2008, Bộ sẽ hỗ trợ để tỉnh có 1 lớp trung cấp Luật tạo nguồn cán bộ cho cán bộ tư pháp cấp xã và THADS cấp huyện của địa phương. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị chính quyền hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên “phải kéo tư pháp vào hoạt động kinh tế xã hội của địa phương”, hỗ trợ ngành tư pháp để cùng chung sức phát triển ngành tư pháp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã bày tỏ sự ghi nhận với những gì mà các cán bộ tư pháp và THADS ở hai tỉnh đã làm được trong công tác thẩm định văn bản qui phạm của UBND và HĐND ở Điện Biên và Lai Châu; tiếp tục hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải; triển khai tốt các luật trong lĩnh vực tư pháp và dần kiện toàn được tổ chức bộ máy từ tỉnh đến xã…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng không quên động viên những cán bộ tư pháp ở hai Sở là người dân tộc thiểu số, người từ các tỉnh miền xuôi tình nguyện lên công tác tại Điện Biên và Lai Châu. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những cán bộ từ những tỉnh khác lên Điện Biên và Lai Châu “không chỉ yên tâm công tác mà còn sẽ yêu mảnh đất này nữa” vì trong sự nghiệp cải cách tư pháp còn chờ đợi hơn nữa ở các cán bộ tư pháp, nhất là từ sau 2011. Vấn đề còn lại là khả năng đáp ứng với những yêu cầu cải cách. Và đó là thách thức của tất cả các cán bộ trong ngành tư pháp./.
(Huy Long, ảnh Hương Giang )