Ngày 16/4, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu về công tác thực hiện Nghị quyết 49-TƯ/NQ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại tỉnh Sơn La đã làm việc với TAND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Sơn La.
Tòa án: Thiếu người
Trong 3 năm thực hiện NQ 49 về chiến lược cải cách tư pháp, ngành Tòa án Sơn La đã không ngừng kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới, nhất là việc tăng thẩm quyền cho các TAND cấp huyện. Tuy nhiên, do Sơn La là một tỉnh có địa bàn rộng, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trình độ dân trí chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật (đặc biệt án liên quan đến ma túy, chiếm 70% số án của địa phương) và các tranh chấp trong nội bộ nhân dân còn diễn biến phức tạp nên thực sự ngành Tòa án Sơn La đang đứng trước một bài toán nan giải về vấn đề nhân sự, đặc biệt là để các Tòa án huyện đáp ứng khi được tăng thẩm quyền.
Theo thống kê tạm thời của TAND tỉnh, số lượng án ở Sơn La đứng thứ 4 so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù trong năm 2007, ngành Tòa án Sơn La đã cử 13 cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ xét xử, đồng thời cử nhiều cán bộ theo học các lớp lý luận chính trị, tin học… nhưng thực tế tính đến 31/12/2007, ngành TAND Sơn La mới có 134 CBCC, so với chỉ tiêu biên chế vẫn còn thiếu nhiều, nhất là khi nhiều thẩm phán – Chánh án TAND cấp huyện đang hoặc chuẩn bị khuyết do sự điều động, về hưu nhưng chưa có người kế cận.
Một điều đáng nói là ở Sơn La, số thư ký tòa án gần bằng ½ số thẩm phán (thẩm phán tỉnh:12 người thì có 12 thư ký tòa án; thẩm phán huyện có 46 người thì có đến 29 thư ký tòa án). Phó Chánh án TAND tỉnh Sơn La Cấm Hiển Công cho rằng, vì công tác qui hoạch cán bộ của ngành TA không được bổ sung, đánh giá hàng năm nên công tác điều động, kiện toàn còn rời rạc, chưa đảm bảo tính ổn định. Hiện ở Sơn La mới luân chuyển được 1 thẩm phán tỉnh xuống làm Chánh án huyện Sốp Cộp và 1 TP huyện sang làm Phó Chánh án huyện Quỳnh Nhai. Hiện Sơn La thiếu 5 thẩm phán, 10 thư ký tại các TAND cấp huyện và 1 cán bộ làm công tác khác Hiện Quỳnh Nhai, Mộc Châu không có thư ký (thẩm phán phải làm thay nhau làm thư ký).
Theo đánh giá của ngành TAND tỉnh Sơn La, nguyên nhân chính của việc thiếu cán bộ là ngành TAND tỉnh Sơn La không có nguồn cán bộ tại địa phương. Năm 2007, dù đã đăng thông báo tuyển dụng trên báo Công lý, báo Sơn La nhưng chỉ nhận được 7 hồ sơ dự tuyển trong khi cần tuyển 16 người. Song thực tế khi tiếp nhận thì 2 trường hợp bỏ. Hiện đã thông báo trên phạm vi toàn ngành và phương tiện, tính đến 16/4 mới có 2 hồ sơ.
Tư pháp: Không đủ người
Thực hiện tốt công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ có chức danh tư pháp, trong 3 năm qua, ngành Tư pháp Sơn La cũng đã cử nhiều đợt CBCC tham gia tập huấn và theo học các lớp đào tạo nguồn Chấp hành viên, Công chứng viên tại Học viện Tư pháp, các lớp chính trị, quản lý nhà nước. Cho đến nay, tổng số biên chế cán bộ do ngành Tư pháp Sơn La trực tiếp quản lý là 175 (tăng 60 biên chế so với năm 2004) nhưng thực tế hiện mới có 136 đồng chí (thiếu 39 người so với biên chế được giao).
Với 1 cơ quan THADS cấp tỉnh và 11 cơ quan THADS cấp huyện, toàn tỉnh Sơn La mới có 88 biên chế, thiếu 30 biên chế Bộ Tư pháp giao. Mặc dù đã được bổ sung hàng năm nhưng với số lượng án cần được thi hành ngày càng tăng, tính chất vụ việc phức tạp (đặc biệt là các tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản…) nên vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm 2006, THADS huyện Mộc Châu phải giải quyết 1.761 việc; TX.Sơn La: 1504 việc; Mộc Châu: 1.700 việc… Như vậy, tính trung bình mỗi Chấp hành viên ở Sơn La phải giải quyết số lượng lớn công việc.
Nguyên nhân thiếu cán bộ ở ngành Tư pháp cũng không khác với ngành Tòa án. Đó là do thiếu nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng. Bên cạnh đó, dù đã được đào tạo bài bản nhưng đội ngũ cán bộ ở Sở Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp Sơn La nói chung còn thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, dẫn đến hạn chế khả năng tham mưu, đề xuất. So với yêu cầu công việc, chức năng, nhiệm vụ được giao hiện nay thì theo Giám đốc Sở Tư pháp Thào Sỹ Di, số lượng biên chế của ngành còn quá ít, không đủ để đáp ứng với khối lượng công tác chuyên môn. Ở cấp huyện và xã, tình trạng còn “nghiêm trọng” hơn khi có cơ quan Tư pháp cấp huyện mới chỉ bố trí được 2 – 4 cán bộ để làm tất cả những công tác chuyên môn như thẩm định, xây dựng văn bản, hộ tịch, chứng thực… nên chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn.
Qua làm việc tại hai đơn vị đầu ngành Tư pháp và Tòa án tỉnh Sơn La cho thấy, nhân sự là “bài toán” vẫn chưa có lời giải, nhất là đối với những địa phương có nhiều đặc thù như Sơn La. Chính việc thiếu người đã cản trở rất nhiều đến hiệu quả chuyên môn và việc phục vụ nhân dân của các cơ quan khối nội chính./.
Hương Giang