Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Cục Con nuôi quốc tế về việc ký và phê chuẩn Công ước LaHay

22/04/2008
Ngày 21/4, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với Cục Con nuôi quốc tế, Vụ pháp luật quốc tế về tờ trình Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước Lahay ngày 29 tháng 5 năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Tại buổi làm việc, các bên tham gia đã cùng  thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề còn vướng mắc trong tờ trình nhằm hướng tới nội dung hoàn thiện hơn.

        Theo Cục Con nuôi quốc tế, việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay đối với Việt Nam trong giai đoạn này là rất cần thiết. Bởi lẽ nếu Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước Lahay  sẽ tạo hành lang pháp lý quốc tế (đa phương) ổn đinh và lâu dài cho công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho trẻ, ngăn ngừa các hành vi mua bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích trục lợi. Bên cạnh đó, việc phê chuẩn và ký kết sẽ mở rộng việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài trên cơ sở điều ước quốc tế đa phương, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào cơ chế hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin pháp luật, kinh nghiệm…

         Trên thực tế, Công ước Lahay về nuôi con nuôi là trong một trong ba tư điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Để đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc cũng như quy định của Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ “nội luật hóa” toàn bộ các nguyên tắc cơ bản sao cho các quy định trong nước hài hòa với quy định của Công ước. Tuy pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định, nguyên tắc nói chung là phù hợp song một số nguyên tắc của Công ước chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong các văn bản pháp luật, đặc biệt chưa có biện pháp bảo đảm thực thi…Việc nuôi con nuôi theo Công ước La hay  áp dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi nhưng luật Việt Nam chỉ áp dụng cho trẻ dưới 15 tuổi ( hoặc trẻ trên 15 đến dưới 16 tuổi nếu là trẻ em tàn tật hoặc mất năng lực hành vi dân sự). Việt Nam không có quy định việc nuôi con nuôi sẽ làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và trẻ em được cho làm con nuôi…Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để “ hài hòa hóa” giữa pháp luật trong nước với Công ước Lahay về những điểm còn “vênh” này.

         Trong những năm qua, các cơ quan có thẩm quyền về cho nhận nuôi con nuôi  của Việt Nam đã áp dụng quy tắc không cho phép bất kỳ một sự tiếp xúc nào giữa cha mẹ nuôi tương lai với cha mẹ đẻ hoặc bất cứ người nào trực tiếp nuôi dưỡng trẻ trước khi bắt đầu thủ tục nuôi con nuôi, đặc biệt trước khi cha mẹ đẻ hoặc người có quyền đưa ra sự tự nguyện đồng ý cho trẻ  làm con nuôi mà không kèm theo bất cứ một hình thức đền bù nào. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào để đảm bảo thực hiện biện pháp trên cũng như xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Chính vấn đề nhạy cảm này dễ dẫn đến khả năng các bên môi giới nuôi con nuôi lợi dụng trục lợi. Một vấn đề khác đó là hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi. Công ước Lahay có quy định rất rõ về hệ quả pháp lý  nhằm đảm bảo cho trẻ được nhận nuôi có địa vị pháp lý và được bảo vệ như bất cứ trẻ em nào trên lãnh thổ Nước nhận. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về hình thức con nuôi, hệ quả pháp lý của việc nhận nuôi, việc chuyển đổi hình thức nuôi con nuôi…

           Như vậy, mặc dù  trên thực tế Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định song phương về vấn đề nuôi con nuôi quốc tế song xét trên bình diện các văn bản pháp luật hiện hành, Việt Nam vẫn để “lọt” chưa quy định về một số nguyên tắc, điều khoản phù hợp với nôi dung của Công ước La Hay. Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên  nhiều trường hợp, hồ sơ gốc của trẻ được nhận nuôi bị “đạo diễn”. Mục đích chung của Công ước La hay và pháp luật các nước về vấn đề nuôi con nuôi đều là bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ. Do đó, khi Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp luật, xây dựng thể chế/ cơ chế đồng bộ thống nhất để giải quyết vấn đề con nuôi nước ngoài trong mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề con nuôi trong nước nhằm xoá bỏ khoảng cách giữa hai hình thức này, cũng như rút ngắn sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước về nuôi con nuôi.

       Kết thúc buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của Cục Con nuôi quốc tế, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đưa ra một số ý kiến hướng dẫn Cục hoàn thiện Tờ trình, bổ sung làm rõ những nội dung cần thiết, chưa rõ ràng. Bộ trưởng Cũng mong muốn Tờ trình phải có sức nặng hơn nữa, có tính thuyết phục cao hơn nữa trước khi đặt lên bàn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, đa phần các quy định của Việt Nam trong việc nuôi con nuôi đều phù hợp với quy định quốc tế, đều bảo vệ quyền lợi trẻ em nên việc ký và phê chuẩn Công ước La Hay là rất cần thiết nhằm khẳng định tính đa phương hóa về luật pháp của Việt Nam trong thời kỳ mới./.

Hương Nguyễn