1. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020:
Ngày 10/6/2020, với 454/460 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 94,00% tổng số số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 10, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 sẽ bổ sung các dự án dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; đồng thời, điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 01/2021).
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại Kỳ họp thứ 11 sẽ trình Quốc hội khóa XIV thông qua 04 dự án luật
[1] và không trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật nào. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ không xem xét, thông qua dự án luật nào mà chỉ cho ý kiến đối với 06 dự án luật
[2].
2. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp:
Ngày 10/6/2020, với 449/457 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, (chiếm 92,96% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trong đó có một số điểm mới như: bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp; quy định về vị trí của giám định viên tư pháp; quy định về thời hạn tối đa giám định tư pháp; bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự và có chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp; đồng thời, nới lỏng điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp...
3. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Ngày 18/6/2020, với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số điểm mới như: bổ sung thêm một số văn bản là văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thêm trường hợp văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn; đã điều chỉnh quy định văn bản có thể bị bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan khác theo hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo giá trị cho các văn bản được ban hành; quy định về việc được áp dụng văn bản cũ dù đã có văn bản mới (dù có văn bản mới nhưng văn bản cũ vẫn phù hợp với thực tiễn thì vẫn được áp dụng cho đến thời điểm được quy định trong văn bản mới)...
4. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính:
Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 10/6/2020 và thảo luận tại Hội trường vào ngày 18/6/2020 về dự án Luật. Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, đồng thời tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề sau: các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bổ sung quy định nâng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; về thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quy định đối với người dưới 18 tuổi vi phạm hành chính...
[1] Gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
[2] Gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.