Một số bất cập, hạn chế về mẫu đơn, tờ khai khi thực hiện thủ tục hành chính về nuôi con nuôi và đề xuất hoàn thiện
Mẫu đơn, tờ khai để thực hiện TTHC về nuôi con nuôi được quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2011/TT-BTP). Tuy nhiên, việc thực hiện các mẫu đơn, mẫu tờ khai này có phát sinh một số bất cập, hạn chế như sau:
Thứ nhất, sửa mẫu Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi do người nhận con nuôi tự khai và UBND cấp xã xác nhận thành Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã thực hiện và xác nhận
Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Nuôi con nuôi thì Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế (Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi) là thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi khi thực hiện 04 TTHC gồm thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước, thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục Cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Theo quy định của Thông tư số 12/2011/TT-BTP thì Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế được chuyển thành Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại UBND cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), ký hiệu TP/CN-2011/CN.06. Mẫu Tờ khai này do người nhận con nuôi tự khai và UBND cấp xã xác nhận. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 17 Luật Nuôi con nuôi quy định thì Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, tức là văn bản này do UBND cấp xã thực hiện và xác nhận. Như vậy, Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTP là chưa thống nhất với tên gọi, đối tượng thực hiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Do đó, đề xuất sửa đổi quy mẫu Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP theo hướng thay đổi tên gọi thành Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi, do UBND cấp xã thực hiện và xác nhận, người nhận nuôi con nuôi không phải làm văn bản này khi thực hiện các TTHC có liên quan, để phù hợp với quy định của Luật Nuôi con nuôi, tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục nuôi con nuôi, giảm chi phí tuân thủ TTHC cho người nhận nuôi con nuôi.
Thứ hai, gộp một số mẫu đơn, tờ khai có nội dung tương tự nhau để xây dựng thành một mẫu chung, tạo thuận lợi, tránh sử dụng nhầm lẫn
Việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài có sự khác biệt nhất định về đối tượng thực hiện, thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện. Theo đó, Thông tư số 12/2011/TT-BTP cũng ban hành các mẫu đơn, tờ khai khác nhau dùng cho việc giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước và giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Việc quy định các mẫu đơn, tờ khai cho từng đối tượng thực hiện TTHC là phù hợp. Tuy nhiên, một số mẫu đơn, tờ khai có nội dung tương tự nhau dẫn đến tình trạng sử dụng nhầm biểu mẫu hoặc thậm chí sử dụng sai, dẫn đến phải chỉnh sửa, khai đi khai lại nhiều lần, gây phiền hà cho người thực hiện TTHC như mẫu Biên bản giao nhận con nuôi, mẫu Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi, mẫu Biên bản lấy ý kiến đồng ý của cha, mẹ đẻ, người giám hộ. Theo đó, đề nghị rà soát gộp thành mẫu chung cho cả giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để giảm số lượng biểu mẫu ban hành, tránh trùng lặp, sử dụng nhầm biểu mẫu, tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, có thể cân nhắc gộp mẫu Đơn xin cấp phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và Đơn xin sửa đổi, gia hạn giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam thành Đơn xin cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam vì nhiều nội dung có sự trùng lặp, đồng thời tạo thêm trường thông tin cho người khai lựa chọn trong các trường hợp xin cấp phép, xin gia hạn, xin sửa đổi giấy phép để giảm số lượng biểu mẫu ban hành mà vẫn thực hiện được được TTHC, quản lý nhà nước.
Thứ ba, cân nhắc bỏ quy định về người làm chứng trong Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi
Trong Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi (TP/CN-2011/CN.05) có yêu cầu phải có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng với mục đích là để chứng minh việc nuôi con nuôi là có thật. Tuy nhiên, trong Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi đã thể hiện cam kết và chịu trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký lại về tính trung thực của việc đăng ký nuôi con nuôi trước đó. Việc đăng ký nuôi con nuôi thể hiện mối quan hệ giữa người yêu cầu đăng ký với cơ quan nhà nước, không liên quan đến người thứ ba. Do vậy, việc yêu cầu người làm chứng là không cần thiết. Hơn nữa, việc đăng ký nuôi con nuôi không bắt buộc phải công bố, người thứ ba không thể biết chắc về sự việc này. Mặt khác, thực tế vẫn còn tâm lý e ngại khi để người khác biết về mối quan hệ này. Do vậy, việc yêu cầu chữ ký của người làm chứng tại tờ khai là gây khó khăn cho người thực hiện.
Theo đó, đề nghị cân nhắc bỏ quy định quy định về chữ ký của ít nhất hai người làm chứng tại Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi mà chỉ cần quy định cam kết và chịu trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký lại việc nuôi con nuôi. Đây cũng là phương án đơn giản hóa đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông qua tại Quyết định số 2697/QĐ-BTP ngày 30/12/2016 về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2016.
Thứ tư, sửa đổi một số tên mẫu đơn, tờ khai, bổ sung một số trường thông tin trong các mẫu đơn, tờ khai để phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tiễn
Sửa đổi tên mẫu Phiếu đăng ký nhận con nuôi (TP/CN-2011/CN.05) thành Đơn đăng ký nhu cầu nhận con nuôi để phù hợp với quy định của Điều 16 Luật Nuôi con nuôi.
Trong các mẫu đơn, tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP, đề nghị sửa đổi trường thông tin về “họ và tên” thành “họ, chữ đệm, tên”, làm rõ mục “giấy tờ tùy thân” cụ thể là “chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu”, bổ sung mục “số định danh cá nhân” để phù hợp với quy định Luật Hộ tịch, Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân…
Trên đây là một số bất cập, hạn chế về mẫu đơn, tờ khai khi thực hiện các TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi, mong rằng trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 để tạo thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng các mẫu đơn, tờ khai khi thực hiện TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi.