04 tháng đầu năm 2020: Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế của Bộ Tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và đáng chú ý
1. Công tác xây dựng văn bản, đề án
- Công tác xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh: Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, Chính phủ đã đưa các nội dung về xây dựng pháp luật vào chương trình các phiên họp thường kỳ để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Tại các phiên họp thường kỳ từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật, dự thảo nghị quyết . Trong quá trình soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cố gắng quy định cụ thể, hạn chế luật khung, xác định rõ những nội dung giao quy định chi tiết; trong trường hợp có nội dung giao quy định chi tiết thì khi trình, một số dự án luật, dự thảo nghị quyết đã trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết .
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu giúp Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện: Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để trình Quốc hội để trình thông qua vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2020).
Bộ đã tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; đồng thời xây dựng và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
- Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã khẩn trương hoàn thiện các văn bản, đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
+ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản do Bộ Tư pháp trình.
+ Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2020, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ 05 văn bản, đề án. Kết quả: Bộ Tư pháp đã trình 05/05 văn bản, đạt tỷ lệ 100%.
2. Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Công tác thẩm định văn bản QPPL tiếp tục được Bộ Tư pháp chú trọng nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả vai trò “gác cổng” về thể chế giúp Chính phủ. Tính đến ngày 15/4/2020, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 36 dự thảo văn bản QPPL và 09 đề nghị xây dựng văn bản QPPL, trong đó có một số dự án luật quan trọng như: Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam…
3. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
- Công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL được Bộ thực hiện quyết liệt và kịp thời. Trên cơ sở các văn bản QPPL do các cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến để kiểm tra theo thẩm quyền và từ các nguồn thông tin do công dân, tổ chức, báo chí phản ánh.
- Công tác rà soát văn bản QPPL được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, để triển khai Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ (theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020) và nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL (theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020), Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL ; ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng - Tổ trưởng Tổ công tác ; xây dựng Tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát văn bản... Bên cạnh đó, Bộ đã mở Banner “Tiếp nhận phản ánh văn bản QPPL chồng chéo, bất cập” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và và đã đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp đưa tin về các hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng bảo đảm kịp thời, hiệu quả trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
- Công tác pháp điển hệ thống QPPL: Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét thông qua kết quả pháp điển các chủ đề: Bổ trợ tư pháp; Hình sự; Kế toán, kiểm toán; Thống kê và 24 đề mục của Bộ Pháp điển.