Đánh giá tác động TTHC được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) (Điều 34, 37, 58, 85, 87, 93, 97, 99, 102, 103, 112, 114, 128); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL (Điều 6); Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 về kiểm soát TTHC (đã được sửa đổi, bổ sung) (Điều 8) và Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC (từ Điều 4 đến Điều 9 và các biểu mẫu kèm theo).
Qua thực tiễn triển khai các quy định về đánh giá tác động TTHC đã cho thấy một số bất cập, hạn chế như sau:
Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ thì việc đánh giá tác động TTHC được thực hiện ở cả hai giai đoạn: xây dựng chính sách (lập đề nghị) và xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp chỉ có hướng dẫn đánh giá tác động khi xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL mà không có hướng dẫn cụ thể về đánh giá tác động TTHC trong giai đoạn xây dựng chính sách (lập đề nghị). Từ đó, dẫn đến lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, theo quy định của khoản 4 Điều 6 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ thì tác động của TTHC được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của TTHC để thực hiện chính sách. Với quy định này thì trong giai đoạn xây dựng chính sách, cơ quan, tổ chức đã phải thực hiện đánh giá tác động TTHC về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và chi phí tuân thủ TTHC như trong giai đoạn xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL. Điều này về cơ bản là chưa phù hợp bởi lẽ trong giai đoạn xây dựng chính sách thì cơ quan, tổ chức mới ở giai đoạn xác định vấn đề cần giải quyết, mục tiêu ban hành chính sách, các biện pháp để thực hiện chính sách, tác động của chính sách, chi phí lợi ích của giải pháp, lựa chọn giải pháp và lý do của việc lựa chọn. Trong đó, TTHC chỉ là một trong những công cụ, giải pháp để thực hiện chính sách sẽ ban hành. Do đó, việc đánh giá về tính hợp lý của các bộ phận của TTHC và chi phí tuân thủ TTHC ngay trong giai đoạn lập đề nghị là khó thực hiện, chỉ thực hiện được trong giai đoạn xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL.
Thứ ba, ngày 07/08/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC đã bỏ các quy định về đánh giá tác động TTHC khi soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL mà chỉ quy định viện dẫn
“Việc thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp”. Trong khi đó, khoản 4 Điều 6 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ chỉ quy định về đánh giá tác động TTHC khi đánh giá tác động chính sách mà chưa có quy định về đánh giá tác động TTHC khi xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL. Như vậy, quy định về đánh giá tác động TTHC trong xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL chưa được quy định rõ ở tầm Nghị định.
Thứ tư, theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì việc đánh giá tác động trong lập đề nghị được tổng hợp vào Báo cáo đánh giá tác động chính sách, còn đánh giá tác động trong xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL thì phải xây dựng Bản đánh giá tác động TTHC. Theo quy định của điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp thì “
Sau khi đánh giá tác động của TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động của dự án, dự thảo văn bản QPPL. Đối với dự thảo Thông tư, Thông tư liên tịch, dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định về TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá tác động của TTHC thành báo cáo riêng”. Quy định này chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 bởi vì hiện nay trong hồ sơ xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL đã bỏ Báo cáo đánh giá tác động của dự án, dự thảo văn bản QPPL. Theo đó, khi không còn Báo cáo đánh giá tác động của dự án, dự thảo văn bản QPPL thì nội dung đánh giá tác động TTHC sẽ được tổng hợp vào đâu? Mặt khác, trường hợp tổng hợp kết quả đánh giá tác động TTHC thành báo cáo riêng thì Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp lại chưa quy định mẫu Báo cáo đánh giá tác động TTHC với các nội dung cơ bản cần thể hiện. Từ đó, dẫn đến việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động TTHC gặp khó khăn, lúng túng nhất định, chất lượng Báo cáo đánh giá tác động TTHC chưa đồng đều.
Thứ năm, một số quy định tại các biểu mẫu đánh giá tác động TTHC và biểu tính toán chi phí tuân thủ TTHC ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp còn chưa phù hợp, cụ thể như sau:
- Chưa có thiết kế biểu mẫu đánh giá tác động TTHC trong giai đoạn xây dựng chính sách (lập đề nghị);
- Về Biểu mẫu đánh giá tác động TTHC (Biểu mẫu 01A/ĐG-KSTT) thì tại điểm 9, mục II về đánh giá mẫu đơn, tờ khai còn rườm ra khi yêu cầu người điền biểu mẫu phải rõ những nội dung (nhóm) thông tin cần cung cấp trong mẫu đơn, tờ khai và lý do quy định các trường thông tin này. Việc đánh giá từng trường thông tin trong mẫu đơn, tờ khai là quá chi tiết mà chỉ cần nêu lý do quy định mẫu đơn, tờ khai đó.
- Về Biểu mẫu đánh giá tác động TTHC được sửa đổi, bổ sung hoặc quy định chi tiết (Biểu mẫu 01B/ĐG-KSTT): Đối với việc đánh giá TTHC được sửa đổi, bổ sung thì việc điền biểu mẫu này sẽ không làm rõ được nội dung TTHC được sửa đổi, bổ sung và lý do sửa đổi, bổ sung.
- Quy định về tính toán chi phí tuân thủ TTHC chỉ thích hợp với đối tượng thực hiện là người Việt Nam bởi vì tính chi phí tuân thủ TTHC dựa trên mức thu nhập bình quân 01 (một) người 01 (một) giờ làm việc tính theo công thức:
Mức thu nhập
bình quân 01 người 01 giờ làm việc |
= |
Tổng sản phẩm trong nước
(theo thống kê của năm gần nhất) |
Số dân
(tương ứng năm thống kê) |
x |
12 tháng |
x |
22 ngày làm việc |
x |
08 giờ làm việc |
Trong khi đó, nhiều TTHC do cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện, việc tính mức thu nhập bình quân cho đối tượng này là không thực hiện được và sử dụng “miễn cưỡng” mức thu nhập bình quân của người Việt Nam để tính cho đối tượng thực hiện là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Do đó, số liệu tính toán chi phí chưa thật sự đảm bảo độ chính xác cao. Mặt khác, để điền các số liệu liên quan đến bảng tính chi phí, để đảm bảo độ chính xác thì cần có sự nghiên cứu, khảo sát, phân tích, tổng hợp mang tính khoa học, logic, toán học. Tuy nhiên, thực tế cơ quan soạn thảo không có đủ thời gian, nhân lực và tài chính làm công việc này dẫn đến việc người điền biểu tự ước lượng, tự điền theo cảm quan dẫn đến việc tính toán chưa thực sự chính xác, số liệu mang “cảm tính”.
Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi
Từ những quy định về đánh giá tác động TTHC và bất cập, hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất, kiến nghị sửa đổi các văn bản QPPL hiện hành cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 4 Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ theo hướng đánh giá tác động TTHC trong giai đoạn xây dựng chính sách là việc phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp của TTHC để thực hiện chính sách và bổ sung quy định về đánh giá tác động TTHC trong giai đoạn xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC theo hướng đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ TTHHC.
Thứ hai, đề nghị xây dựng Thông tư hướng dẫn việc đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị, xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp theo hướng bổ sung quy định về đánh giá tác động TTHC trong quá trình xây dựng chính sách (lập đề nghị) và biểu mẫu đánh giá kèm theo; bổ sung mẫu Báo cáo đánh giá tác động TTHC; sửa đổi các biểu mẫu đánh giá tác động TTHC (Biểu mẫu số 01A/ĐG-KSTT và Biểu mẫu 01B/ĐG-KSTT) cho phù hợp, tránh rườm rà; nghiên cứu hướng dẫn việc tính toán chi phí tuân thủ mang tính lượng hóa cao, tính toán chi phí đối với người nước ngoài khi thực hiện TTHC.
Đánh giá tác động TTHC có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách và xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC. Đây như là một “tấm thảm lọc” mang tính khoa học, thực tiễn để đảm bảo nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giảm gánh nặng hành chính và duy trì tính công khai, minh bạch của TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.