Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm

Tin tức

Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm

Để có cơ sở pháp lý hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân và cơ quan trực tiếp thực hiện đăng ký, trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như:

1. Với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, qua đó tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu, áp dụng pháp luật về việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, ngày 17/01/2019, Bộ trưởng Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển (thay thế Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển). Thông tư gồm 03 Chương và 09 Điều quy định hướng dẫn cụ thể về các trường hợp đăng ký và biểu mẫu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký và ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển vào sổ đăng ký.
2. Ngày 25/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT). Thông tư gồm 3 chương và 24 điều hướng dẫn một số quy định về đăng ký, từ chối đăng ký, biểu mẫu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đáng chú ý, nhằm tạo điều kiện để người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai thuận lợi hơn trong việc đăng ký, Thông tư hướng dẫn chi tiết việc đăng ký trong một số trường hợp mà Nghị định 102/2017/NĐ-CP chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa rõ như: Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai [Điều 14); Đăng ký thế chấp trong trường hợp tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở mà tài sản đó đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận [Điều 15); Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký [Điều 16); Ghi nội dung đăng ký thế chấp trong trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đã hình thành và được chứng nhận quyền sở hữu [Điều 17); Chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở [Điều 18); Xóa đăng ký thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP [Điều 19). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2019 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.