Thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám định tư pháp và đề xuất hoàn thiện

Tin tức

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám định tư pháp và đề xuất hoàn thiện

Ngày 26/9/2016, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2007/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Theo Quyết định này, có 13 TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp được công bố trên cơ sở Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 27/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp (Nghị định số 85/2013/NĐ-CP). Sau gần 06 năm thực hiện các TTHC này đã phát sinh một số bất cấp, hạn chế cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bỏ Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ thủ tục Bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với một số đối tượng
Theo khoản 3 Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì người yêu cầu bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm chứng minh tư cách nhân thân, đảm bảo người được bổ nhiệm không thuộc trường hợp “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Luật. Tuy nhiên, trong triển khai quy định này đã phát sinh khó khăn cho người thực hiện. Bởi vì, người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp chủ yếu là công chức, viên chức, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng do các Bộ, ngành, Sở ngành quản lý nên cơ quan, đơn vị quản lý họ nắm được rõ thông tin về phẩm chất đạo đức, nhân thân của người được đề nghị bổ nhiệm. Mặt khác, người đề nghị bổ nhiệm phải mất thời gian (trong thời hạn 10 ngày làm việc) và chi phí thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Do đó việc quy định cần phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp là không cần thiết, gây lãng phí. Theo đó, kiến nghị xem xét, sửa đổi khoản 3 Điều 8 Luật giám định tư pháp theo hướng bỏ quy định có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ bổ nhiệm giám định viên đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong thành phần hồ sơ bổ nhiệm giám viên tư pháp.
Thứ hai, bổ sung quy định về cấp thẻ giám định viên tư pháp để thuận lợi cho hoạt động của giám định viên tư pháp
Trong quá trình thực hiện giám định tại cơ quan, tổ chức hoặc tham gia phiên tòa đển giải thích, bảo vệ kết luận giám định do mình thực hiện, giám định viên cần chứng minh bản thân là giám định viên tư pháp bằng cách xuất trình Quyết định bổ nhiệm, điều này gây bất tiện cho giám định viên tư pháp. Vì vậy, cần quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp (như các chức danh bổ trợ tư pháp khác hiện nay đều có thẻ) nhằm tạo thuận lợi, nâng cao vị trí của giám định viên khi thực hiện công tác giám định và tham gia hoạt động tố tụng. Theo đó, đề nghị xem xét, bổ sung thủ tục cấp thẻ giám định viên tư pháp theo hướng liên thông với thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp để không làm phát sinh TTHC mới. Khi nộp hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp, cá nhân chỉ cần nộp thêm 02 ảnh chụp cỡ 3x4 để làm thẻ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Thứ ba, bổ sung quy định một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp để hạn chế việc hành nghề giám định viên tư pháp khi đã nghỉ việc
Theo điểm đ, khoản 1 Điều 10 của Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì một trong các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp là “theo đề nghị của giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc”. Khi thực hiện quy định này có thực tế là một số cơ quan không có nhu cầu sử dụng giám định viên tư pháp sau khi nghỉ hưu nhưng vẫn không thực hiện được việc miễn nhiệm (nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự thuộc ngành công an) hoặc một số giám định viên sau khi nghỉ hưu vẫn lợi dụng danh nghĩa giám định viên của cơ quan, tổ chức để thực hiện giám định mà các cơ quan đề nghị bổ nhiệm trước đó không thể quản lý vì đã được nghỉ việc theo chế độ. Bên cạnh đó, một số trường hợp thay đổi vị trí công tác hoặc chuyển sang cơ quan khác, không còn khả năng thực hiện giám định, một số người có nguyện vọng thôi làm giám định viên tư pháp nhưng vẫn không cơ sở để miễn nhiệm. Do vậy, đề xuất sửa điểm đ, bổ sung điểm e, g, khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng sửa đổi, bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm như sau: “đ) Có Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan chủ quản có nhu cầu sử dụng hoặc nguyện vọng thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong thời hạn 02 năm kể từ khi có Quyết định;e) Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp) theo đề nghị của giám định viên tư pháp và được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản.
Thứ tư, cần thiết mẫu hóa một số mẫu đơn, tờ khai để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện
Trong tổng số 13 TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp thì có 11 TTHC trong thành phần hồ sơ có yêu cầu nộp văn bản đề nghị hoặc các loại đơn của cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục như Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp; Đơn xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Đơn đề nghị đăng ký hoạt động Văn phòng giám định tư pháp; Đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động; Đơn xin phép thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định; Đơn đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; Đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng giám định tư pháp. Tuy nhiên, các loại văn bản đề nghị hoặc các loại đơn nêu trên chưa được mẫu hóa dẫn đến chưa tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện thủ tục. Do đó, cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về mẫu giấy tờ trong hoạt động giám định tư pháp để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục. 
Thứ năm, cần thiết quy định đa dạng hóa cách thức thực hiện TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Nghị định 85/2013/NĐ-CP không quy định rõ cách thức thực hiện các TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp. Trên thực tế, các TTHC đều được thực hiện bằng phương thức trực tiếp tại cơ quan thực hiện TTHC. Do đó, để đảm bảo tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC, đề nghị bổ sung quy định về cách thức thực hiện các TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp bằng trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng internet phù hợp với từng TTHC và tổ chức tuyên truyền, khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện phương thức mới. 
Trên đây là một số bất cập, hạn chế của quy định TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp, mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo các TTHC trong lĩnh vực giám định tư pháp thật sự cần thiết, hợp pháp, hợp lý và chi phí tuân thủ thấp nhất, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC./.