Cải cách thể chế của Bộ Tư pháp trong tháng 4/2019
1. Công tác xây dựng đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- Trong tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 văn bản do Bộ Tư pháp trình là “Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”.
- Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4/2019, Bộ Tư pháp không có văn bản, đề án nào phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2769/VPCP-PL ngày 05/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 186-QĐ/TW ngày 08/4/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Bộ Tư pháp đã trình Ban cán sự Đảng Chính phủ Kế hoạch thực hiện Thông báo Kết luận số 50-TB/TW của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019.
- Thực hiện Chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33 về “Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019”. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 7.
2. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật
Trong tháng 4/2019, Bộ Tư pháp đã nhận thêm 15 văn bản để thẩm định (14 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 01 đề nghị xây dựng luật), nâng tổng số văn bản Bộ phải thẩm định lên 27 văn bản (gồm 26 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 01 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật). Kết quả: Bộ đã thẩm định xong 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và đang tiếp tục thẩm định 12 văn bản (11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 01 đề nghị xây dựng nghị định luật) chưa đến hạn thẩm định.
Để chuẩn bị cho Phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 95/BC-BTP ngày 29/3/2019 gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về một số nội dung cơ bản của công tác thẩm định.
3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong tháng 4/2019, Bộ đã triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Kế hoạch, Quy chế quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật thường xuyên các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành và đăng tải, cập nhật các tin, bài về công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên cả nước.