Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp
1. Công tác cải cách thủ tục hành chính
- Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019 (kèm theo Quyết định số 3167/QĐ-BTP ngày 28/12/2018). Việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này sẽ đảm bảo kịp thời phát hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, không phù hợp, chồng chéo bảo đảm đơn giản hóa các quy định, TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nhưng không ảnh hưởng tới chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
- Đối với công tác kiểm soát quy định TTHC: Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thẩm định, góp ý về TTHC trong đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động TTHC, công bố, nhập dữ liệu và đăng tải công khai hoặc không công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, thực hiện việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định hiện hành. Theo đó, trong quý I/2019, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 73 TTHC tại 09 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo (gồm 02 luật, 06 nghị định, 01 thông tư); trong đó: Bộ đã đề nghị không quy định 02 thủ tục và sửa đổi 41 thủ tục không hợp lý (chiếm tỷ lệ 58,9% tổng số TTHC quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản). Qua theo dõi, về cơ bản, các ý kiến thẩm định về TTHC của Bộ Tư pháp đã được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu tại cuộc họp thẩm định và làm cơ sở để hoàn thiện quy định TTHC trong dự thảo văn bản.
Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành 02 Quyết định công bố TTHC là: (1) Quyết định số 537/QĐ-BTP ngày 05/3/2019 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực luật sư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và (2) Quyết định số 614/QĐ-BTP ngày 16/3/2019 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Trọng tài thương mại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã nghiêm túc thực hiện việc nhập dữ liệu TTHC và đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định hiện hành.
- Triển khai thực hiện Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ (kèm theo Quyết định 3087/QĐ-BTP ngày 26/12/2019), đến nay, hầu hết các đơn vị thuộc Bộ có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC đã xây dựng và ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại đơn vị.
2. Công tác hiện đại hóa hành chính
Tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, ứng dụng công nghệ thông tin đã được Bộ Tư pháp chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp. Trong quý I/2019, Bộ đã tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ tư pháp xã/phường, quận/huyện trong việc sử dụng, khai thác Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho 43 tỉnh/thành phố đã được triển khai; phối hợp với Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia; nghiên cứu giải pháp triển khai mở rộng Hệ thống Hội nghị truyền hình đến các Chi cục Thi hành án dân sự trên toàn quốc (đầu tư Hạ tầng, Phần mềm, Thiết bị đầu cuối). Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (kèm theo Quyết định số 569/QĐ-BTP ngày 11/3/2019), trong đó, có việc triển khai Phân hệ Quản lý văn bản cho các đơn vị thuộc Bộ và đã được Bộ tổ chức tập huấn đến các công chức, viên chức làm công tác văn thư Bộ và văn thư tại các đơn vị thuộc Bộ.