Hội thảo khoa học chuyên sâu về Hệ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp

Tin tức

Hội thảo khoa học chuyên sâu về Hệ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp

Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2017 đến nay, Văn phòng Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều công việc làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó, trọng tâm là Đề án khoa học cấp Bộ “Xây dựng tiêu chí, mô hình, quy trình và phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp”. Trong khuôn khổ Đề án nêu trên, ngày 15/11/2019, Ban chủ nhiệm Đề án đã tổ chức Hội thảo khoa học chuyên sâu về Hệ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ nhiệm Đề án đã chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các đơn vị: Viện Khoa học pháp lý; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Cục Bổ trợ tư pháp; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Trợ giúp pháp lý; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính… Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với Mẫu Phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung của Mẫu Phiếu khảo sát, như: vấn đề hỏi về thông tin nhân thân; số lượng câu hỏi; việc xây dựng ngân hàng câu hỏi để lựa chọn xây dựng phiếu khảo sát phù hợp với sự đa dạng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; bổ sung các câu hỏi mang tính định lượng thay vì định tính…

Kết luận Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ nhiệm Đề án đã cám ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng những đóng góp vừa toàn diện, vừa mang hơi thở thực tiễn đối với từng thủ tục hành chính đặc thù của các đại biểu là cơ sở để Ban Chủ nhiệm Đề án tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để thời gian tới có thể tiến hành đo lường “thử” để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện báo cáo nghiệm thu đề tài./.