Công tác thi hành án dân sự 2009: Phấn đấu giảm từ 10% đến 15% án tồn đọng

30/12/2008
Công tác thi hành án dân sự 2009: Phấn đấu giảm từ 10% đến 15% án tồn đọng
Đây là mục tiêu mà ngành tư pháp đặt ra và quyết tâm thực hiện trong năm 2009. Mặc dù để thực hiện mục tiêu này, toàn ngành phải dốc sức tối đa vì bài toán về án tồn động luôn là vấn đề nan giải nhất của ngành tư pháp. Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009) tháo gỡ về cơ chế sẽ giúp các cơ quan thi hành án (THA) giảm đáng kể lượng án tồn.

Nhiều cách làm mới

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết ngành, trên toàn quốc còn trên 330 ngàn việc tồn đọng, với số tiền lên tới hơn 16 ngàn tỷ đồng. Khối lượng án các cơ quan THA phải thi hành ngày càng tăng (so với năm 2007 số việc phải thi hành năm 2008 tăng 15.950 việc) trong khi đội ngũ chấp hành viên còn thiếu về số lượng, trình độ còn hạn chế. Tháo gỡ khó khăn này không phải một sớm một chiều do đó các cơ quan thi hành án phải chủ động tìm tòi các giải pháp mới mang tính đột phá.

“ Chưa có một hướng dẫn nào về việc giao khoán chỉ tiêu cho chấp hành viên nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn làm”, ông Tô Văn  Quý - Trưởng THADS TP. Thái Nguyên chia sẻ. Bắt đầu thí điểm từ năm 2007, đến 2008 mỗi chấp hành viên cơ quan THA này đã vượt chỉ tiêu giao khoán (40-50 việc/ năm). “Để làm được việc này, chúng tôi phải làm cả thứ 7, chủ nhật nhưng khó một nỗi là chế độ đãi ngộ cho anh em chưa có trong khi họ phải cáng đáng một khối lượng công việc quá lớn”. Ông Quý nói.

Khác với TP. Thái Nguyên, THA tỉnh Bến Tre lại tổ chức các đợt cao điểm để giải quyết án tồn đọng. Cứ đến mùa vụ thu hoạch chấp hành viên lại tổ chức các chiến dịch thi hành án vì lúc đó đương sự mới có khả năng thi hành. Mấy năm vừa thí điểm vừa nhân rộng đến nay số lượng án tồn đọng ở Bến Tre đã giảm đáng kể.

Một cách làm khá mới ở tỉnh Cà Mau được Giám đốc Sở này chia sẻ trên diễn đàn hội nghị là công khai hồ sơ về THA trên trang web của Sở. Qua đó các bên đương sự sẽ biết quyền và nghĩa vụ của mình cũng như công việc của THA, như vậy tránh được những khiếu kiện vì tất cả đã được công khai.

Không thể kế hết giải pháp mà các cơ quan THA đã thực hiện để đạt được kết quả chung cả về việc và về tiền đều cao hơn năm 2007. Năm 2008 những cách làm mới này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cùng với sự ra đời và có hiệu lực của Luật THADS tháo gỡ nhiều về cơ chế, các địa phương cam kết sẽ phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm từ 10-15% án tồn đọng.

Các khoản thu nhỏ sẽ được thanh lý.

Một trong những nguyên nhân án tồn đọng ngày càng lớn dồn từ năm này qua năm khác là các khoản thu nhỏ không có cơ chế xử lý. Ví dụ như án không quá 500 ngàn đồng, trước đây ngành tư pháp đã chuyển giao cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành nhưng sau đó chủ trương này phải dừng lại vì thực hiện không hiệu quả. Hay như các loại án phí hình sự chỉ có 50 ngàn cũng không thu được do người phải THA đang chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, khi Luật THADS ra đời, sẽ tháo gỡ khó khăn nêu trên bằng quy định miễn thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500 ngàn. Theo đó, nếu thời gian tổ chức thi hành đã quá 5 năm tính đến thời điểm Luật THA có hiệu lực mà người phải THA không có điều kiện thi hành sẽ được miễn.

Đối với án phí, tiền phạt và các khoản phải thu khác đối với người đang chấp hành phạt tù, trại giam, trại tạm giam sẽ thu (thay vì cơ quan THA như hiện nay). Trình tự, thủ tục của việc thu này sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Cùng với đó, các quy định về miễn giảm cũng sẽ thoáng hơn về điều kiện, thời gian xét miễn giảm.

Hiện nay, nhiều cơ quan THA than về thực tế pháp luật trao cho chấp hành viên quá ít quyền năng nên khó khăn cho họ trong khi làm nhiệm vụ. Luật THADS đã quy định theo hướng tăng quyền hạn cho chấp hành viên trong một số trường hợp. Đồng thời, cũng quy định các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm phối hợp với THA, trong việc thực hiện các yêu cầu của chấp hành viên.

Với những cơ chế mới được cụ thể theo hướng thông thoáng hơn cùng với sự nỗ lực chung của toàn ngành tư pháp hy vọng mục tiêu tạo ra sự đột phá trong giải quyết án tồn đọng sẽ thành hiện thực.

Bình An

Ông Nguyễn Anh Tum - Trưởng THADS TP. Hoà Bình:

Chỉ tiêu ngành giao giảm từ 10 đến 15% án tồn đọng nhưng năm 2008 chúng tôi đã giảm được 59% án tồn. Hiện chỉ còn 150 việc, trong đó chủ yếu là án cấp dưỡng nuôi con (phải thi hành qua nhiều năm), tiếp đó là án ma tuý, án không rõ địa chỉ…Chúng tôi không lo chỉ tiêu giao khoán vì hiện án tồn đọng đã giảm về cơ bản. Tuy nhiên chỉ đề xuất với Bộ Tư pháp cần trang bị phương tiện cho anh em đi làm nhiệm vụ. Nghề này rất nguy hiểm mà chúng tôi thì cứ “tay không chiến đấu”.

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục THADS - Bộ Tư pháp:

Với các quy định của pháp luật hiện hành, những người được THA gặp nhiều khó khăn khi THA không bán được tài sản cho họ (đây cũng là nguyên nhân khiến án tồn đọng - PV). Đặc biệt là các ngân hàng. Họ muốn thu hồi nợ chứ đâu có muốn nhận lại tài sản, trong khi đó pháp luật quy định cứ 2 lần định giá bán đấu giá không được là tài sản được trả về cho người được THA. Luật THADS có cơ chế để việc bán tài sản được thực hiện đến cùng.