Khó tìm tiếng nói chung về trách nhiệm quy hoạch đô thị

26/12/2008
Bộ Xây dựng muốn trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh do Bộ đảm nhiệm. Cơ quan chủ trì thẩm tra là Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng nên giao cho chính quyền địa phương thực hiện. Buổi thảo luận chiều ngày 24/12 tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn chưa đi đến thống nhất về nội dung này tại dự án Luật Quy hoạch đô thị.

Chưa quyết tập trung quyền lực hay phân cấp

Lý giải cho quan điểm của Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của địa phương trong công tác quy hoạch đô thị. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị loại đặc biệt có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, có sự ảnh hưởng lan toả với khu vực xung quanh. Do đó, thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt phải do Bộ Xây dựng đảm nhận.

Khác quan điểm với Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, chính quyền đô thị mới là người nắm vững, đầy đủ, sâu sắc, toàn diện cả về thực trạng, triển vọng, yêu cầu  phát triển của đô thị đó trong mối quan hệ gắn bó với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì vậy, thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị nên giao cho chính quyền địa phương thực hiện. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc TW cũng nên để UBND thành phố tổ chức lập quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng chỉ tổ chức thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực cũng giao cho chính quyền đô thị là người tổ chức lập quy hoạch đô thị” – ông Hà Văn Hiền cho biết.

Ủng hộ qua điểm của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần một sự quản lý vĩ mô về quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng phải quản lý, không thể giao cho địa phương được vì thực tế địa phương có tình trạng quy hoạch theo nhiệm kỳ, quy hoạch theo nhóm lợi ích, chưa phải là vì quy hoạch tổng thể. Khi có quy hoạch tổng thể thì Chính quyền cấp dưới là người thực hiện”.  Trong khi đó, quan điểm mà bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra lại là phải mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện. Bà Mai nói: “Mặc dù có sự lo ngại như đồng chí Thuận nói nhưng tôi nghiêng về quan điểm của Cơ quan thẩm tra, chúng ta phải phân cấp. Ví dụ như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh làm rất tốt và những quy hoạch những khu đô thị mới như vậy chính quyền hoàn toàn có thể làm được”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi nếu tỉnh, thành phố lập quy hoạch thì Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng phê duyệt, vậy nếu Bộ Xây dựng tổ chức quy hoạch đô thị loại đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đơn vị nào sẽ thẩm tra tính phù hợp của quy hoạch. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết trong trường hợp này Bộ Xây dựng sẽ mời tư vấn nước ngoài về thẩm định tính phù hợp của quy hoạch. Ông Quân phân tích thêm: “Chính quyền tổ chức lập quy hoạch thực ra cũng chỉ là ý chí của nhà quản lý thôi, còn công việc quy hoạch cụ thể vẫn phải do nhà chuyên môn thực hiện”.

Nai may sẽ giải tán Sở Quy hoạch Kiến trúc

Trong các buổi thảo luận trước tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật quy định lập kiến trúc sư trưởng là không phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày hôm qua, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã thống nhất đề nghị giữ Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch tại cấp tỉnh và chức danh Kiến trúc sư trưởng tại một số thành phố trực thuộc trung ương và thành phố thuộc tỉnh. Vấn đề đặt ra là khi đã có Hội đồng kiến trúc quy hoạch và chức danh Kiến trúc sư trưởng rồi thì có nên giữ Sở Quy hoạch kiến trúc ở một số thành phố như hiện nay nữa hay không. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định dứt khoát: “Quan điểm của chúng tôi là nay mai sẽ giải tán Sở Quy hoạch kiến trúc. Hiện nay, 61 tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ có Sở Xây dựng thôi. Hai Sở  Quy hoạch Kiến trúc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hậu quả của câu chuyện thí điểm Kiến trúc Sư trưởng vào năm 1992, đến năm 2001 xoá bỏ Kiến trúc sư trưởng và chuyển thành Sở vì vướng ở chỗ không biết Kiến trúc sư trưởng có ngang Phó Chủ tịch UBND thành phố hay không, chế độ thế nào. Hiện nay Sở này hoạt động bất cập lắm!”.

Theo dự kiến, dự án Luật Quy hoạch đô thị sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII.

Hồng Thuý