Từng bước thể chế hoá các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự vào thực tiễn cuộc sống

25/12/2008
Để bảo đảm mọi bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh, thể hiện tính tôn nghiêm của pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng đó là Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, cho đến nay từng nội dung về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự được quy định trong hai Nghị quyết trên về cơ bản đã lần lượt được thể chế hoá vào trong các quy định của pháp luật và từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung nhất đó là trong năm 2008, đã có hai văn bản pháp luật chuyên ngành quan trọng chứa đựng nhiều nội dung đổi mới trong công tác thi hành án dân sự đó là Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và Luật thi hành án dân sự được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008. Dưới đây là những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã được thể chế hoá để triển khai thực hiện trên thực tế trong thời gian tới, bao gồm:

Một là, đổi mới, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự. Cho đến nay, công tác thi hành án ở Việt Nam vẫn được giao cho nhiều cơ quan giúp Chính phủ quản lý, trong đó Bộ Tư pháp được giao nhiệm quản lý thi hành các bản án, quyết định về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và các quyết định về dân sự trong các bản án, quyết định về hình sự. Do còn thiếu sự tập trung thống nhất, đặc biệt là thiếu cơ chế phối kết hợp có hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý thi hành án nên đây là một trong số những nguyên nhân làm cho tình trạng án dân sự tồn đọng kéo dài trong thời gian qua. Vì vậy, để góp phần khắc phục hạn chế này, Nghị quyết số 48-NQ/TW đã khẳng định: “Xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về công tác thi hành án”. Tiếp theo Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đã tiếp tục khẳng định: “Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện chuyển giao công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với xu thế hội nhập, cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chủ trương này, theo tinh thần của Chương trình số 06-CTr/CCTP ngày 19/9/2007 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp đã được giao phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án.

Hai là, từng bước thực hiện việc xã hội hoá các hoạt động thi hành án dân sự. Chủ trương xã hội hoá đã được đề cập nhiều trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, ví dụ tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã xác định: “Nghiên cứu việc xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ tư pháp”. Trong lĩnh vực thi hành án, đặc biệt là thi hành án dân sự cần phải tích cực xã hội hoá, bởi có xã hội hoá thì mới chia sẻ được gánh nặng công việc thi hành án cho Nhà nước, mới nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Hiện nay, một số công việc mà tư nhân có thể thực hiện tốt hơn và nên được chuyển giao cho tư nhân thực hiện như việc sao, gửi các bản án, quyết định của Toà án; đôn đốc các bên tự nguyện thi hành án; xác minh tài sản, điều kiện của bên phải thi hành án, v.v… Đây là chủ trương vừa phù hợp với truyền thống, lịch sử pháp luật thi hành án của Việt Nam, vừa phù hợp với xu hướng pháp luật thi hành án ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, Nghị quyết 49-NQ/TW đã khẳng định: “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, bên cạnh đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW còn yêu cầu phải: “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên): trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. Thực hiện chủ trương này, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành đến ngày 01/7/2012. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá thực tiễn và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước đưa chủ trương xã hội hoá công tác thi hành án dân sự của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Ba là, tăng cường đề xuất mới các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Yêu cầu bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án phải được thi hành đã liên tiếp được nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đề cập đến, đặc biệt Nghị quyết 49-NQ/TW đã nhấn mạnh: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Muốn vậy, phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế thi hành án, tập trung giải quyết có hiệu quả án tồn đọng, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới. Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp này, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: "Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân  sự, tạo chuyển biến cơ bản về công tác thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết số 07/2007/NQ-QH12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội Khoá XII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, khắc phục tình trạng số việc thi hành án tồn đọng hàng năm, trước mắt đến cuối năm 2008, cần làm giảm ít nhất 10% đến 15% số việc thi hành án dân sự tồn đọng so với năm 2007; giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp". Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm giảm dần số việc thi hành án tồn đọng hàng năm, trước mắt thực hiện ngay đợt tổng rà soát, xác minh và phân loại án, tổ chức các đợt cao điểm giải quyết việc thi hành án tồn đọng; tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thi hành án;

Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự dừng chuyển giao việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) trực tiếp đôn đốc thi hành. Đối với những vụ việc thi hành án đã chuyển giao, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục đôn đốc thi hành án dứt điểm, những địa phương đôn đốc thi hành án không hiệu quả thì thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh rút hồ sơ để trực tiếp thi hành;

Thứ ba, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thí điểm việc uỷ quyền cho các trại giam trực tiếp đôn đốc thi hành các khoản phải thi hành án nộp ngân sách nhà nước (án phí, tiền phạt, tiền tịch thu sung công, bồi thường cho Nhà nước, truy thu thuế, thu lợi bất chính...) mà người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tại các trại giam, trại tạm giam để tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thực hiện nghĩa vụ thi hành án về dân sự, làm căn cứ xét đặc xá hàng năm;

Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan thi hành án chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức tối đa những khiếu nại, tố cáo phức tạp mới phát sinh, khiếu nại vượt cấp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về thi hành án, nhất là đối với những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm;

Thứ năm, chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong năm 2008 xây dựng quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn về thi hành án dân sự, thực hiện tốt công tác miễn, giảm thi hành án;

Thứ sáu, hoàn thành việc xây dựng Đề án thừa phát lại báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương và Chính phủ; phối hợp với Thành uỷ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện thí điểm tại địa bàn thành phố, đồng thời theo dõi việc triển khai, kịp thời rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, đề xuất phương án triển khai ở một số địa phương khác".

Bốn là, xây dựng mới và hoàn thiện pháp luật về thi hành án mà trước hết là phải sớm “xây dựng Bộ luật thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án”. Hiện nay, các văn bản pháp luật về thi hành án còn được quy định rải rác trong các lĩnh vực thi hành án khác nhau như thi hành án dân sự có Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thi hành án phạt tù có Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2007), thi hành án hình sự ngoài phạt tù có Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành phạt tù cho hưởng án treo, Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, v.v… Các văn bản pháp luật về thi hành án có giá trị hiệu lực khác nhau mà chủ yếu là các văn bản dưới luật, văn bản pháp luật hiện hành có giá trị pháp lý cao nhất là Pháp lệnh nên hiệu lực điều chỉnh của nó chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn về thi hành án. Do vậy, để thống nhất những quy định về thi hành án đang nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau nhằm nâng cao hiệu lực điều chỉnh của các quy phạm pháp luật thi hành án, đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã chủ trương phải khẩn trương xây dựng Bộ luật thi hành án thống nhất điều chỉnh tất cả các lĩnh vực về thi hành án. Mặc dù chưa thông qua được Bộ luật thi hành án, tuy nhiên việc Quốc hội thông qua Luật thi hành án dân sự năm 2008 là một trong những bước tiến mạnh mẽ triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thi hành án dân sự, và đây còn là cơ sở tiền đề quan trọng để tiếp tục nghiên cứu việc nhất thể hoá các lĩnh vực pháp luật về thi hành án theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW trong thời gian tới.

Năm là, đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn cán bộ thi hành án và chế độ, chính sách đối với cán bộ thi hành án. Nghị quyết 49-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu: "Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp"; "Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn"; "Có chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động của cán bộ tư pháp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và có cơ chế thanh tra, kiểm tra từ bên ngoài đối với hoạt động của các chức danh tư pháp". Thực hiện chủ trương này, Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định nhiều điểm mới, trong đó có hai điểm mới quan trọng liên quan đến công tác bổ nhiệm Chấp hành viên, đó là quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua thủ tục thi tuyển và Chấp hành viên được bổ nhiệm không kỳ hạn thay vì bổ nhiệm có kỳ hạn 05 năm như quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Ngoài ra, theo Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên nghề và các chế độ, chính sách ưu đãi nhằm tạo tâm lý ổn định công tác của các cán bộ, công chức thi hành án dân sự, đồng thời thu hút những người có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề thi hành án; đề xuất bổ sung biên chế hợp lý để khắc phục tình trạng quá tải của cơ quan thi hành án.

Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án ở địa phương. Trước thực trạng việc xây dựng trụ sở và kho tang vật của các cơ quan thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện làm việc của Chấp hành viên, công chức ở một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn chật chội, thiếu phương tiện làm việc, có nơi tuy đã được bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng trụ sở nhưng chưa triển khai được do không bố trí được địa điểm hoặc không giải phóng được mặt bằng, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện đầu tư xây dựng, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã quy định: "Nhà nước bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động tư pháp phù hợp với đặc thù của từng cơ quan tư pháp và khả năng của đất nước. Từng bước xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi ...  khẩn trương trong một vài năm xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp cấp huyện". Để thực hiện chủ trương này, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự, để đến năm 2010 phải xây dựng xong trụ sở và đến năm 2015 phải xây dựng xong kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự.

Bảy là, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo cán bộ nguồn cho các cơ quan thi hành án. Nghị quyết 49-NQ/TW đã khẳng định: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân Luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa". Phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ  Chấp hành viên, công chức thi hành án là một trong các yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động của công tác thi hành án dân sự. Do đó, để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chính sách đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của cơ quan thi hành án dân sự; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án; điều động, luân chuyển Chấp hành viên, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan thi hành án dân sự không có Trưởng thi hành án hoặc chỉ có 01 Chấp hành viên. Thí điểm tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người đã trải qua công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc các chức danh chủ chốt khác ở cấp xã, có trình độ trung cấp luật, kiến thức xã hội, hiểu biết địa bàn, dân cư và có khả năng làm tốt công tác dân vận, thuyết phục vào các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có khó khăn về nguồn cán bộ có trình độ cử nhân luật.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng và các cấp chính quyền từ Trung ương xuống địa phương đối với công tác thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng, hy vọng rằng, ngoài những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã được thể chế nêu trên, những yêu cầu đổi mới công tác thi hành án được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao trong thực tế, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới./. 

Nguyễn Văn Nghĩa - Bộ Tư pháp.