Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc thảo luận về Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư

25/12/2008
Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư (LĐLS) đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các ĐLS. Về cơ bản, dự thảo được là đã phù hợp với thực tế về tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp LS ở các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đang gây băn khoăn như các loại phí, qui định phê chuẩn kết quả bầu cử của đại hội ĐLS, nhiệm kỳ của BCN ĐLS…

Thống nhất một loại phí thành viên

Điều 13 dự thảo Điều lệ qui định về các loại phí tập sự, phí gia nhập và phí thành viên ĐLS và điều 38 qui định về phí thành viên LĐLS. Đây là vấn đề khiến nhiều LS quan tâm bởi theo qui định của dự thảo, LS sẽ phải vừa đóng phí ĐLS, vừa đóng phí LĐLS. Như vậy, họ sẽ phải chịu “một cổ hai tròng” như nhận xét của LS.Nguyễn Trọng Tỵ (ĐLS TP.Hà Nội). Do vậy, các ĐLS đều thấy dự thảo Điều lệ LĐLS nên qui định mức phí thống nhất thành một khoản cho từng thời điểm. ĐLS sẽ căn cứ vào đó để thu phí của các thành viên và trích nộp theo tỷ lệ do LĐLS qui định (trên cơ sở kinh tế - xã hội từng tỉnh, TP bằng một nghị quyết của HĐLS toàn quốc) lên cho LĐLS.

Đồng quan điểm, LS.Phạm Hồng Hải (ĐLS TP.Hà Nội) cho rằng, nên qui định 1 tỷ lệ trích nộp căn cứ vào những giá trị trung gian, mang tính cố định tương đối (như mức lương hành chính tối thiểu) để các ĐLS trích từ tổng phí thành viên của đoàn, đóng cho LĐLS. Nếu như vậy, khi những giá trị trung gian thay đổi thì số tiền các LS đóng góp cho LS thông qua ĐLS cũng sẽ tự động thay đổi mà không bắt buộc phải sửa đổi Điều lệ. Hoặc theo LS.Nguyễn Thế Phong (ĐLS tỉnh Vĩnh Long), có thể qui định mức phí thành viên LĐLS cố định. Nếu có thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội thì Ban thường vụ LĐLS sẽ quyết định thay đổi mức phí thành viên LĐLS cho phù hợp.

Với tư cách thành viên, ĐLS cũng phải nộp phí thành viên, dựa trên việc thu phí của LS thành viên. Bởi theo quan điểm của LS.Phạm Văn Kha (ĐLS tỉnh Ninh Bình), nộp phí thành viên là nghĩa vụ của thành viên, dù là cá nhân hay tổ chức. Nếu ĐLS nào quá khó khăn, có thể xem xét giảm hoặc miễn.

Các tổ chức hành nghề LS tự qui định phí tập sự

Các LS cũng nhất trí không nên qui định mức phí tập sự trong dự thảo Điều lệ. Hoặc nếu có qui định cho phù hợp với Điều 67 Luật LS thì cũng nên giao cho các tổ chức hành nghề LS tự qui định. Điều này sẽ hợp lý hơn vì phù hợp với điều kiện tập sự, cơ sở vật chất, thương hiệu… mà mỗi cơ sở hành nghề có được. Dự kiến, từ tháng 1/2009, ĐLS TP.Hà Nội sẽ qui định mức “phí đăng ký tập sự” (300.000đồng/người/lần) để phục vụ cho các hoạt động quản lý LS tập sự, còn phí tập sự thì do các tổ chức hành nghề LS tự qui định. Hay như kinh nghiệm của ĐLS TP.Hải Phòng, qui định mức phí tập sự là 5 triệu đồng/người/lần, nhưng ĐLS chỉ thu 30%, còn lại cũng cho phép các tổ chức hành nghề tự quyết định.

Hiện nay, để gia nhập ĐLS, các LS phải đóng “phí gia nhập” song theo các ý kiến đóng góp cho dự thảo Điều lệ thì không nên qui định loại phí này trong dự thảo Điều lệ. Vì như đại diện của ĐLS tỉnh Nghệ An lo ngại, nếu qui định về mức phí gia nhập thì những ĐLS ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa khó “thu hút” được các LS gia nhập. Vì với số tiền lớn, họ sẽ gia nhập các ĐLS ở các tỉnh, TP lớn.

LS.Phạm Hồng Hải cho rằng, khi là thành viên, LS được hưởng những quyền lợi từ các quỹ, cơ sở vật chất của ĐLS thì đương nhiên khi gia nhập cũng phải tham gia đóng góp, gây dựng quỹ cho Đoàn để phục vụ các hoạt động chung (học tập, bồi dưỡng, sinh hoạt Đoàn…). Vì thế, thay vì “phí gia nhập” nên qui định thành “đóng góp quỹ ĐLS”, do ĐLS tự qui định (như ĐLS TP.Hà Nội, ĐLS TP.Hải Phòng qui định là 10 triệu đồng/người...). Mức đóng góp này không phải là “rào cản” để các LS không đủ khả năng tài chính gia nhập đoàn, mà chỉ là điều kiện tài chính để đảm bảo công bằng cho tất cả các thành viên của ĐLS.

Có cần phê chuẩn kết quả Đại hội ĐLS?

Câu trả lời mà đa số các LS đưa ra là “không cần” bởi những lý do rất hiển nhiên, mà trước hết là “không cần thiết” và “Điều lệ là chuẩn” cho các hoạt động của ĐLS. LS.Nguyễn Lịch (ĐLS Phú Thọ) nhấn mạnh, đại hội các ĐLS được tiến hành theo Điều lệ (đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt), việc bầu các chức danh cũng theo tiêu chuẩn đã qui định trong Điều lệ. Không những thế, Đại hội lại là cơ quan lãnh đạo cao nhất của các ĐLS. Vậy không có lý do gì để kết quả đại hội ĐLS lại phải trải qua một trình tự phê chuẩn của cơ quan nhà nước hay của LĐLS. Điều đó vô hình chung đã “vô hiệu hoá” những qui định của Điều lệ ĐLS, LĐLS về vấn đề đại hội. Bên cạnh đó, nếu sau khi ban chủ nhiệm cũ hết nhiệm kỳ, ban chủ nhiệm mới chưa được phê chuẩn thì ai sẽ lãnh đạo ĐLS?

Còn LS.Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, nếu kết quả đại hội  trái với qui định của điều lệ thì chỉ cần xem xét lại để có biện pháp khắc phục, chứ không nên đợi phê chuẩn, dễ gây ra những mẫu thuẫn khó giải quyết và không đảm bảo tính nhanh gọn như tinh thần của cải cách tư pháp./.

Huy Anh

Trong 2 ngày (23-24/12), tại Hà Nội, Hội đồng lâm thời luật sư (HĐLTLS) đã họp lần thứ 4, để thảo luận và thông qua một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức Đại hội Đại biểu LS toàn quốc lần thứ nhất. HĐLT đã biểu quyết nhất trí các vấn đề còn gây tranh cãi trong dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư (LĐLS). Theo đó, dự thảo Điều lệ sẽ qui định, ĐLS có trách nhiệm thu và nộp phí thành viên LĐLS, tính theo từng LS với mức phí cố định do LĐLS qui định. Nếu có trượt giá sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Nhiệm kỳ Ban chủ nhiệm các ĐLS sẽ là 5 năm. HĐLT cũng nhất trí không qui định việc phê chuẩn kết quả đại hội các ĐLS trong dự thảo Điều lệ…

Ngoài ra, HĐLT đã thảo luận, tiếp thu ý kiến đối với dự thảo Báo cáo chính trị, kế hoạch tổ chức Đại hội, logo của LĐLS,…