Sáng ngày 23 tháng 12 năm 2008, Bộ Công thương phối hợp với Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với ngành cao su Việt Nam.
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 4 về xuất khẩu cao su trên thế giới, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cao su Việt Nam đang có mặt tại 40 nước trên thế giới và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2007, tổng diện tích trồng cao su cả nước đạt 550 nghìn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 373 nghìn ha, chiếm 67,8%. Về năng suất, đến năm 2007 đã đạt 16,1 tạ/ha (tăng 7,2tạ/ha giai đoạn 1995-2007), tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,1%/năm. Xuất khẩu cao su của nước ta tăng liên tục trong những năm gần đây, riêng năm 2007 nước ta xuất khẩu được 719 nghìn tấn mủ cao su với giá bình quân 1.947USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. Qua năm 2008, trong bảy tháng đầu năm đạt bình quân 2.645USD/tấn. Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì từ tháng 8 đến nay do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và giá dầu trên thế giới giảm mạnh đã ảnh hưởng đến giá cao su, ước tính năm 2008 Việt Nam xuất khẩu khoảng 700 nghìn tấn với 1,5 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội thảo TS. Trần Thị Thuý Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới, những cam kết điều chỉnh chính sách và pháp luật Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhờ khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, bình đẳng. Với tư cách là thành viên của WTO, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng các nguyên tắc bình đẳng với các nước khác nên giảm được các rào cản về thuế quan và hạn ngạch. Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nguyên liệu được thuận lợi hơn khi mức thuế nhập khẩu vào các nước được giảm, tuy nhiên yêu cầu về chất lượng nghiêm ngặt hơn và phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, khi Việt Nam mở cửa rộng hơn doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh. Hiệp hội cao su Việt Nam ra đời trong bối cảnh Việt Nam xúc tiến mạnh mẽ hội nhập, với vai trò đại diện, bảo vệ, hỗ trợ và liên kết các Hội viên trong quá trình phát triển ngành cao su Việt Nam, trong thời gian tới Hiệp hội phải nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ các hội viên tận dụng những ưu thế của thành viên tổ chức thương mại thế giới, cũng như cùng doanh nghiệp hạn chế những khó khăn trong môi trường cạnh tranh. Phát biểu tại Hội thảo TS. Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng – Phó chánh văn phòng UBQG HTKTQT cho rằng, việc Việt Nam gia nhập WTO mang lại thuận lợi về thị trường cho ngành cao su, tuy nhiên muốn tăng giá trị ngành cao su Việt Nam cần nâng cao chất lượng cao su xuất khẩu để xâm nhập các thị trường có yêu cầu chất lượng khắt khe hơn như Hoa Kỳ, EU. Cũng theo TS. Trịnh Minh Anh để nâng cao hiệu quả xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, giảm tỉ trọng cao su xuất khẩu dạng thô, từng bước nâng cao hàm lượng chế biến; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để xâm nhập sâu vào một số thị trường như Bắc Mỹ, EU, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI sản xuất các sản phẩm từ cao su như săm lốp, phao cứu sinh, găng tay… để nâng cao giá trị gia tăng.
Trong bài tham luận của mình về phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, PGS.TS, Hiệu trưởng Trường đại học nông nghiệp Hà Nội chia sẻ nhận định về những tác động của việc gia nhập WTO tới ngành cao su Việt Nam, ngoài việc hưởng ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam có cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất cao su có giá trị cao hơn, tạo điều kiện trong chuyển đổi thị trường; việc đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam cũng góp phần làm tăng giá trị cho ngành cao su thông qua việc giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. PGS.TS cũng phân tích những thuận lợi, khó khăn và đưa ra một số giải pháp phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành cao su nói riêng, thì những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nội tại cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành cao su, trong đó diện tích đất để trồng cao su không còn nhiều, nhìn chung sản phẩm cao su của Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường, công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su yếu và việc quản lý của nhà nước xét ở gốc độ nào đó còn chưa có hiệu quả. Trong các giải pháp chính để phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam như giải pháp thị trường, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành cao su, giải pháp về đa dạng hoá hình thức sở hữu, nâng cao vai trò của Hiệp hội cao su Việt Nam hay mở rộng diện tích theo hướng nông – lâm kết hợp, PGS.TS đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp tái cấu trúc sản phẩm, thị trường và coi đó là giải pháp căn bản đối phó với thị trường của ngành cao su thực tế đã hội nhập quốc tế, PGS.TS phân tích để tạo ra cơ cấu mới phù hợp cần tái cấu trúc toàn diện thị trường nội địa và xuất khẩu, thị trường theo cơ cấu mặt hàng và thị trường theo nhu cầu nhập khẩu của các nước, lấy hiệu quả kinh tế làm trung tâm với sự quyết định của công nghệ tiên tiến; Việt Nam cũng nên hướng đến các thị trường tiềm năng như Mỹ (thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, chiếm 60% lượng xuất khẩu) và hạn chế xuất khẩu thô để Việt Nam có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong điều kiện hội nhập.
Như vậy, rõ ràng với việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới không những đã đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nam nói chung mà ngành cao su Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi và động cơ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, hướng tới các thị trường tiềm năng hơn ngoài những thị trường truyền thống. Tuy nhiên, khi đã hội nhập vào sân chơi chung thì phải chịu những tác động từ sự biến động bất lợi của thế giới, điều quan trọng là mỗi nước, mỗi doanh nghiệp phải luôn luôn có giải pháp riêng cho mình trong mọi hoàn cảnh, đề cao tính chủ động và biết tận dụng những lợi thế của một thành viên WTO. Thực tiễn của ngành cao su Việt nam đã chứng minh rằng, sự phát triển hay tụt lùi của ngành đều có sự tác động của cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, do vậy, các doanh nghiệp, các nhà quản lý luôn phải có các giải pháp cho cả hai khía cạnh này, có như vậy mới có thể phát triển bền vững.
TTT