Bản chất của bồi thường nhà nước là quan hệ dân sự đặc thù

26/12/2008
Hôm qua (25/12), vấn đề bản chất của quan hệ bồi thường nhà nước quy định tại dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận. Dự thảo Luật quy định theo hướng xác định bản chất của quan hệ bồi thường nhà nước là quan hệ dân sự đặc thù, trách nhiệm bồi thường Nhà nước đối với công dân là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu chỉ coi bồi thường nhà nước đơn thuần chỉ là quan hệ bồi thường dân sự thì không ổn vì việc giải quyết bồi thường đều do cơ quan, tổ chức quản lý người thi hành công vụ thực hiện, kể cả đối với cơ quan tố tụng.

Giải thích về căn cứ khi xây dựng quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, bản chất quan hệ bồi thường Nhà nước là quan hệ dân sự vì đây là quan hệ đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Khi xây dựng Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005, đều thống nhất xác định đây là quan hệ dân sự. Khi xây dựng Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra cũng căn cứ Bộ luật Dân sự để quy định. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: “Một trong những công đoạn quan trọng của bồi thường là thương lượng, không thương lượng được mới phải ra Toà. Hơn nữa, đây là quan hệ dân sự vì không thể có chuyện cơ quan nhà nước đã gây thiệt hại phải bồi thường lại có thể áp đặt ý chí chủ quan của mình đối với người được bồi thường, như thế không công bằng”. Đại diện ngành Tòa án, Viện Nghiên cứu lập pháp… cũng đồng tình với quan điểm coi bồi thường Nhà nước là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đồng tình với các ý kiến cho rằng đây là quan hệ mang tính chất đặc thù và còn phải căn cứ vào tình hình kinh tế cụ thể của đất nước.

Về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhiều thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ bao gồm cả hành động và không hành động. Tức là không hành động mà gây ra thiệt hại cũng phải bồi thường. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi, cũng cần nghiên cứu để quy định cụ thể các trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trong một số trường hợp nhất định như không ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; không ra quyết định thi hành án; không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, hành chính.

Hồng Thuý