Năm 2008 - “Năm tổ chức cán bộ” của ngành tư pháp

29/12/2008
Năm 2008 được xem là “Năm tổ chức cán bộ” của ngành tư pháp vì thể chế về bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành được hoàn thiện một bước cơ bản. Cụ thể, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 trong đó có nhiều quy định mới về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1256/QĐ-TTg, 1254/QĐ-TTg ngày 12/9/2008 bổ nhiệm thêm 02 Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo cấp Vụ và đã được Ban Bí thư phê duyệt; công tác quy hoạch cán bộ đã hướng mạnh vào đội ngũ công chức trẻ, công chức nữ; việc tạo môi trường làm việc dân chủ bình đẳng, cạnh tranh để công chức phát huy sở trường trong công tác...

Trên cương vị người đứng đầu ngành tư pháp ở địa phương, các đại biểu từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc về dự Hội nghị lần này đã mang theo rất nhiều những cảm nghĩ, trăn trở về công tác tư pháp, cũng như những dự định, quyết tâm vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp. PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh với một số Giám đốc Sở Tư pháp trước thềm Hội nghị.

·        Ông Hoàng Kim Thái – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai:

Về dự Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2008 và triển khai công tác tư pháp năm 2009 toàn quốc, tôi nhận thấy tuy còn gặp nhiều khó khăn do những diễn biến của nền kinh tế thế giới nhưng cơ bản ngành tư pháp chúng ta đã đạt những kết quả rất phấn khởi và đáng ghi nhận. Đối với một tỉnh miền núi như tỉnh Lào Cai chúng tôi, trước những khó khăn chung hiện nay, đội ngũ cán bộ ngành tư pháp Lào Cai vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt sự chỉ đạo, điều hành của chính phủ ,của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về hoạt động tư pháp, đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ tỉnh giao, kết quả và  thành công đó đã đóng góp một phần vào thành tích chung của ngành tư pháp. Trong năm 2009, ngành tư pháp Lào Cai chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, đặc biệt là tổ chức các lớp bối dưỡng kiến thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật pháp, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp các huyện, thành phố, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn, tổ chức pháp chế ngành,nâng cao chất lượng thẩm định văn bản, tiếp tục tham mưu cho tỉnh về các nhiệm vụ được giao, xây dựng đội  ngũ cán bộ công chức trong ngành đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, tận tâm với công việc, có phẩm chất đạo đức tốt... để cho đội ngũ cán bộ tư pháp Lào Cai xứng đáng là người “Phụng công thủ pháp chí công vô tư”… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và đất nước trong tình hình mới.

 Về dự hội nghị lần này,qua các con số và những bài học kinh nghiệm của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện các hoạt động tư pháp, chúng tôi tin rằng sẽ tiếp thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác tư pháp ở địa phương.

·        Ông Nguyễn Đức Tài – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương:

 Theo tôi, công tác tư pháp năm 2008 đã đạt được những kết quả tích cực chính là nhờ các yếu tố như: việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành năm 2008 của lãnh đạo Bộ ngay từ đầu năm là cơ sở quan trọng để pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương để xây dựng kế hoạch công tác ở ngành mình, cấp mình được phù hợp, thống nhất; bên cạnh đó lãnh đạo Bộ Tư pháp đã thực sự quan tâm đối với tình hình công tác tư pháp địa phương, hướng về cơ sở và thường xuyên chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện chuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng như: Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Luật sư; Luật Công chứng; Luật Quốc tịch (Sửa đổi)… qua đó, ngành tư pháp ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình.

            Năm qua, công tác tư pháp tỉnh Hải Dương đã được tiến hành với nhiều thuận lợi nên vai trò của cơ quan tư pháp ngày càng được khẳng định và nâng cao. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều khó khăn, thử thách: đội ngũ cán bộ còn mỏng về số lượng, bất cập về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; một số thiết chế đang trong quá trình xây dựng, trưởng thành; cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí phục vụ hoạt động còn nhiều hạn chế.... Bước sang năm công tác mới, tư pháp Hải Dương nói riêng sẽ nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan công tác năm 2008 để lấy đó làm cơ sở thực hiện kế hoạch công tác năm tới đúng trọng tâm, trọng điểm đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của Bộ Tư pháp và địa phương.

           

            Ông Nguyễn Hòa Bình – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long:

            Là người làm trong ngành tư pháp ở địa phương, tôi thấy Hội nghị năm nay Bộ Tư pháp đề ra những nội dung, chuyên đề rất thiết thực, nhằm thực thi chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, hướng về tư pháp cơ sở..., cũng như đáp ứng được yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc của địa phương.

            Về dự Hội nghị lần này, tôi chuyển tới Bộ Tư pháp 2 kiến nghị. Thứ nhất là việc tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thi hành án dân sự cho cán bộ làm công tác thi hành án vì thi hành án là công việc rất khó khăn, phức tạp. Người phải thi hành án và cả người được thi hành án có khi bức xúc nên làm đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ thi hành án, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và cá nhân. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần tập huấn thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án để công tác thi hành án ngày được tốt hơn.

            Tiếp đến, việc cải cách tư pháp hướng về cơ sở, hay nói cách khác là phân cấp mạnh về cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, được sự đồng tình rất cao. Tuy nhiên, so với chức năng nhiệm vụ được giao, thực tế sau khi khảo sát và phản ánh của địa phương là chưa cân xứng so với biên chế, chưa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ (01 biên chế/11 đầu việc phải giải quyết). Vì vậy, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu và có ý kiến với Bộ Nội vụ về biên chế của tư pháp cấp xã.

X.H