Khối lượng nhiệm vụ cải cách tư pháp được giao cho Bộ, ngành tư pháp quá lớn khiến cho không ít nhiệm vụ triển khai trong tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công”. Bên cạnh đó, chất lượng của nguồn nhân lực để thực hiện cải cách tư pháp lại chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ là những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện cải cách tư pháp trong nội bộ ngành tư pháp năm qua chưa đạt được hiệu quả như mong đợi
Vướng mắc về thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời.
Năm 2008, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để thực hiện cải cách tư pháp đã tiếp tục được chú trọng. Các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, trình trong năm 2008 (như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Bồi thường nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 1999...) đã thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 48, 49, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và các hội nghị Trung ương khoá IX, khoá X về cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Những văn bản này, với những tư tưởng và nội dung mới đang góp phần tạo nên diện mạo, vị thế mới của hoạt động tư pháp. Trong năm qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 49 trong ngành tư pháp để ghi nhận những kết quả tích cực, chỉ rõ các bất cập, hạn chế, yếu kém, phân tích sâu nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan. Từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của ngành trong cải cách tư pháp từ nay đến năm 2011.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động cải cách tư pháp trong năm 2008 cũng không tránh khỏi những hạn chế thể hiện qua việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2008 (các dự án thuộc trách nhiệm trình Chính phủ) chưa thực sự bám sát và đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (NQ48), Chiến lược cải cách tư pháp (NQ49) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001-2010. Do đó, việc lựa chọn các ưu tiên để đưa vào Chương trình, trong một số trường hợp chưa thật hợp lý. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư về thể chế của ngành còn chậm, bởi vậy nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động trong một số lĩnh vực công tác khác của ngành cũng chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu mà quá trình cải cách tư pháp đang đặt ra.
Tăng cường, bổ sung nhân lực là thiết yếu
Nguyên nhân chính của những hạn chế này là khối lượng nhiệm vụ cải cách tư pháp được giao cho Bộ, ngành tư pháp quá lớn. Một số nhiệm vụ triển khai trong tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công”, thiếu cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.Ví dụ: Đề án thí điểm thừa phát lại, Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án...Trong nội bộ ngành, chưa có mô hình và cơ chế phù hợp để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chất lượng của nguồn nhân lực để thực hiện cải cách tư pháp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ có nguyên nhân từ chế độ đãi ngộ trong việc sử dụng cán bộ pháp luật trong các ngành tư pháp kém hấp dẫn so với các ngành khác.
Tới đây, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp trong các lĩnh vực hoạt động của ngành, các cơ quan tư pháp phải chú trọng việc chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định về thể chế của ngành nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách. Và, để làm tốt được nhiệm vụ này, thì sự tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ của Bộ và các địa phương để xây dựng mô hình và cơ chế phù hợp cho việc thực hiện cải cách tư pháp trong nội bộ ngành là rất cần thiết. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng nhất thiết phải được tăng cường, bổ sung song song với đầu tư cơ sở vật chất...
Xuân Hoà