Báo cáo chuyên đề về Luật Ban hành VBQPL và công tác tổ chức, cán bộ: Tạo sự đột phá, tăng tính chuyên nghiệp

30/12/2008
Báo cáo chuyên đề về Luật Ban hành VBQPL và công tác tổ chức, cán bộ: Tạo sự đột phá, tăng tính chuyên nghiệp
Kế hoạch để giúp các nội dung ưu việt của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 đạt được hiệu quả thực thi cao nhất và các phương thức giúp tạo ra sự đột phá mạnh mẽ về chất lượng, số lượng của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp là những vấn đề cốt yếu mà hai Báo cáo chuyên đề về Luật Ban hành VBQPL và công tác tổ chức, cán bộ đã chuyển tải tới các đại biểu tham dự Hội nghị trong ngày làm việc đầu tiên.

Luật Ban hành VBQPPL – đổi mới quy trình xây dựng pháp luật

            Được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ 1/1/2009, Luật Ban hành VBQPPL gồm 12 Chương 95 Điều thay thế Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2002. Theo ông Nguyễn Quốc Việt Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính Bộ Tư pháp, với mục đích nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, Luật Ban hành VBQPPL đã sửa đổi một cách toàn diện các quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật có chất lượng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và có tính khả thi cao. Việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Luật Ban hành văn bản được thể hiện qua các nội dung như: thu gọn các loại VBQPPL, nguyên tắc xây dựng ban hành, trách nhiệm báo cáo đánh giá tác động của văn bản, hợp nhất VBQPPL... Đặc biệt, theo ông Việt, với việc áp dụng kỹ thuật “một văn bản sửa nhiều văn bản”, Luật Ban hành VBQPPL sẽ giúp khắc phục được sự mâu thuẫn của hệ thống pháp luật vốn đang là tình trạng khá phổ biến hiện nay, cũng như khắc phục được sự lãng phí về thời gian, kinh phí ở các giai đoạn hình thành văn bản.

Vì quãng thời gian từ lúc luật được thông qua cho tới khi có hiệu lực không nhiều, nên các bước kế hoạch triển khai thực luật đã được Bộ Tư pháp thực hiện ngay từ rất sớm. Về xây dựng thể chế, ngày 28/11/2008, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Cùng với đó, dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính về kinh phí xây dựng VBQPPL và dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy chế thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL cũng đang được tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo. Ngoài ra, trong kế hoạch triển khai thực hiện luật, Bộ Tư pháp cũng xác định rõ nhiệm vụ rà soát hoặc đề nghị cơ quan hữu quan rà soát để sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ nhưng VBQPPL có liên quan nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật VBQPPL. Các văn bản này bao gồm Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý VBQPPL, Nghị định 104/2004/NĐ-CP về Công báo nước CHXHCHVN...

Bên cạnh việc kế thừa những quy định đã được thực hiện hiệu quả trong luật cũ, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 được xây dựng theo hướng tăng cường dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan...Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã xác định việc phổ biến tuyên truyền một cách sâu rộng các quy định của luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngay sau khi luật được thông qua, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tiến hành các hoạt động tuyên truyền như: giới thiệu luật cho các tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tập huấn luật cho các báo cáo viên pháp luật trung ương; giới thiệu phân tích diễn giải các nội dung của luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Bộ...

Một trong những yêu cầu mới của luật đặt ra đối với các cơ quan trình và soạn thảo VBQPPL là yêu cầu về đánh giá tác động (RIA). Nhằm bảo đảm triển khai có hiệu quả việc đánh giá tác động văn bản, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan với sự hỗ trợ của các tổ chức và chuyên gia quốc tế đang tích cực nghiên cứu xây dựng và triển khai chiến lược thực hiện RIA trong 2 năm tới đây. Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng dự định sẽ tiến hành hoạt động hỗ trợ các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường năng lực xây dựng VBQPPL nói chung và kinh nghiệm, kỹ năng RIA nói riêng.

Hướng tới một đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại

            Năm 2008 được xem là “Năm tổ chức cán bộ” của ngành Tư pháp với hàng loạt các thành công từ trung ương tới địa phương trong việc hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành; kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đội ngũ cán bộ tư pháp vẫn còn bộc lộ nhiều điểm bất cập. Cụ thể, ở trung ương, đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị thuộc Bộ còn thiếu về số lượng, tính chuyên môn hoá chưa cao, chưa đảm bảo sự kết thừa giữa các thế hệ và đáp ứng yêu cầu mở rộng hội nhập. Ở địa phương, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ công chức tư pháp-hộ tịch còn nhiều hạn chế (10% không có trình độ văn hoá cấp 3, 40% chưa qua đào tạo chuyên môn về luật, 30% chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ trên tổng số). Vì vậy, năng lực quản lý, năng lực tổ chức thực thi công vụ của đội ngũ này còn rất yếu.

            Chính vì thế, trong năm 2009, theo ông Trần Văn Quảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, công tác tổ chức, cán bộ vẫn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những khâu đột phá để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, tiến độ và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Tư pháp được quy định trong Nghị định 93/2008/NĐ-CP. Riêng về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các cơ quan tư pháp từ trung ương tới địa phương sẽ tiếp tục  phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm về đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Trong đó, các Sở Tư pháp địa phương cần chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Phòng Tư pháp, đặc biệt quan tâm đến các cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn về luật. Đối với công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã, các Sở Tư pháp phải có kế hoạch tổ chức các lớp trung cấp luật và đào tạo liên thông lên đại học luật cho các công chức. Nếu địa phương chưa thu xếp được điều kiện, thì cũng phải tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề, tập trung vào giới thiệu các quy định mới của pháp luật cũng như kỹ năng giải quyết công việc.

            Đặc biệt, vì tầm quan trọng của các buổi giao ban, nên lãnh đạo các Sở Tư pháp địa phương nên nghiên cứu để có hướng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các buổi giao ban giữa các Phòng Tư pháp, tư pháp cấp xã để chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc khi thực thi công vụ.

Xuân Hoa