Quốc hội tiếp tục thông qua 5 dự án luật: Luật quản lý thuế, Luật đê điều, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cư trú, Luật công chứng

23/11/2006
Quốc hội tiếp tục thông qua 5 dự án luật: Luật quản lý thuế, Luật đê điều, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cư trú, Luật công chứng
Ngày 22/11, Quốc hội làm việc ở Hội trường Ba Đình, tiếp tục biểu quyết, thông qua 5 dự án Luật. Đó là Luật quản lý thuế, Luật đê điều, Luật chuyển giao công nghệ, Luật cư trú, Luật công chứng với đa số phiếu tán thành.
 

Trước khi thông qua toàn văn dự Luật Quản lý thuế, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 điều cụ thể. Sau đó Quốc hội thông qua toàn văn dự Luật này với 409/417 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 83,13%. Luật Quản lý thuế gồm 14 chương, 121 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ Luật đê điều với 406/412 Đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 82,52%. Luật gồm 8 chương, 48 điều và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chuyển giao công nghệ nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển giao công nghệ của Việt Nam cho 1 đối tượng khác ở nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của Luật; cân nhắc để phạm vi điều chỉnh của Luật không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của Luật khoa học và công nghệ. Về Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia (điều 44 cũ - điều 39 mới), hầu hết ý kiến các Đại biểu Quốc hội đều đồng ý với với việc cần thiết phải có quỹ này để hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ. Các Đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật với đa số ý kiến tán thành. Luật gồm 7 chương và 61 điều, bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2007.

Cuối phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật cư trú. Theo qui định của Luật cư trú, công dân thuộc một trong các trường hợp sau thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp: vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với bố, mẹ.

Chiều 22/11, Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua Luật Công chứng với đa số phiếu tán thành.

(Theo website Chính phủ)