Quốc hội thông qua sáu dự án luật

22/11/2006
Quốc hội thông qua sáu dự án luật
Sau 10 ngày nghỉ tập trung cho việc tổ chức Hội nghị APEC 14, ngày 21-11, các đại biểu QH trở lại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, tiếp tục thực hiện chương trình kỳ họp thứ 10, QH khóa XI. Với sự điều khiển của các Phó Chủ tịch QH: Trương Quang Được, Nguyễn Phúc Thanh, Nguyễn Văn Yểu, QH đã thông qua sáu dự án luật.
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo cho biết: Trong phiên họp toàn thể ngày 27-10-2006 tại Hội trường, các đại biểu QH đã thảo luận về dự thảo luật này. Nhìn chung, các ý kiến đại biểu QH đều nhất trí với các nội dung của dự thảo luật; đồng thời, các đại biểu đã góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể. Về tên gọi của luật, hầu hết các ý kiến tán thành với tên gọi như dự thảo, song có ý kiến đề nghị tên gọi của Luật là Luật Người Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến đề nghị bổ sung cấm sang, nhượng giấy phép trong hoạt động dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài. Về thu hồi giấy phép, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải nộp lại giấy phép, trường hợp nào bị thu hồi giấy phép.

Về tiền môi giới, có ý kiến đề nghị quy định rõ định lượng một phần hay toàn bộ tiền môi giới là bao nhiêu đối với từng nước, bổ sung quy định doanh nghiệp phải thông báo công khai với người lao động về việc nộp, mức nộp tiền môi giới... Ủy ban Thường vụ QH, Ban soạn thảo đã tiếp thụ các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, chỉnh lý dự thảo Luật này trình QH thông qua.

Tiếp đó, Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Lương Phan Cừ đọc dự thảo một số điều còn có ý kiến khác nhau,  đã được Ủy ban Thường vụ QH tiếp thụ, chỉnh lý. Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua các vấn đề còn ý kiến khác nhau; trong đó về tên gọi của Luật, với đa số đại biểu tán thành, QH thông qua tên gọi của Luật là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Toàn văn dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 400 đại biểu biểu quyết thông qua, bằng 81,3% tổng số đại biểu QH. Luật này gồm tám chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp tụu, chỉnh lý dự thảo Luật Bình đẳng giới. Trong quá trình thảo luận, nội dung được nhiều đại biểu và dư luận quan tâm là vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, cụ thể là quy định độ tuổi về hưu của lao động nữ.

Một số ý kiến đề nghị độ tuổi về hưu của nam, nữ như nhau, nhưng phụ nữ có quyền về hưu sớm hơn nam từ 1 đến 5 năm hoặc đề nghị quy định độ tuổi về hưu của nam, nữ dựa trên tiêu chí ngành, nghề đặc thù do Chính phủ quy định. Theo Báo cáo giải trình, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau vì liên quan trực tiếp quyền lợi của hàng chục triệu lao động, nên cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tuổi về hưu và chế độ hưu trí cho phù hợp. Do đó, dự luật đã bỏ khoản 3, Điều 13.

Ông Lương Phan Cừ đọc một số điều còn có ý kiến khác nhau đã được tiếp thụ, chỉnh lý và QH đã biểu quyết thông qua. Sau đó, QH đã thông qua toàn văn Luật Bình đẳng giới với 360 đại biểu tán thành, bằng 73,17% tổng số đại biểu. Luật Bình đẳng giới gồm sáu chương, 44 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2007.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Báo cáo nêu rõ: Nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành trong lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động đã được quy định trong Chương XIV của Bộ luật Lao động, nhưng cần sớm có tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện Bộ luật Lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Lương Phan Cừ đọc một số điều còn có ý kiến khác nhau đã được tiếp thụ, chỉnh lý và QH tiến hành thông qua các điều đó. Cuối cùng, toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động đã được 388 đại biểu, bằng 77,85% tổng số đại biểu tán thành. Luật này có ba điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Những quy định về giải quyết các cuộc đình công của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11-4-1996 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình tiếp tụu, chỉnh lý dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Với 385 phiếu tán thành, bằng 78,25% tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn văn dự án Luật này.

Đầu phiên họp buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Đan trình bày Báo cáo giải trình, tiếp tụu, chỉnh lý dự thảo Luật Dạy nghề. Với 382 phiếu tán thành (chiếm 77,64% tổng số đại biểu), QH cũng đã thông qua toàn văn dự thảo Luật Dạy nghề. Theo đó, đào tạo nghề bao gồm các trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Sơ cấp và trung cấp nghề, luật quy định chỉ cần xét tuyển. Cao đẳng nghề được áp dụng cả hai hình thức xét tuyển và thi tuyển. Luật Dạy nghề cũng quy định có dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên. Các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng nghề gồm: Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề loại khá trở lên đăng ký học cùng ngành nghề đào tạo; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề đăng ký học cùng ngành nghề đào tạo có ít nhất hai năm làm việc theo nghề đã được đào tạo. Luật cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở dạy nghề và tham gia hoạt động dạy nghề.

Tiếp đó, QH đã nghe bà Trần Thị Tâm Đan trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thể dục, thể thao và QH đã biểu quyết thông qua toàn văn  Luật này, với 389 đại biểu tán thành (79,07% tổng số đại biểu). Luật Thể dục, thể thao có chín chương, 79 điều, quy định về các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; thể dục, thể thao chuyên nghiệp; và thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang... Đối với các vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao, được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm.

Luật cấm các hành vi lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

Cuối phiên họp buổi chiều, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế. Báo cáo chỉ rõ: Thực tiễn những năm qua, bên cạnh các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, vẫn còn một bộ phận móc nối với nhau để trốn thuế, gian lận thuế. Tình hình này diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn. Để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi này cần thiết phải tăng quyền hạn đi đôi với đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan trực tiếp quản lý thuế trong lĩnh vực thuế.

Ngày 22-11, QH tiếp tục xem xét dự án Luật này.

* Trong phiên họp buổi sáng, Chủ tịch QH nước CHDCND Lào Thoongsing Thammavong và Đoàn đại biểu QH Lào đã tới dự. Các đại biểu QH đã nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Thoongsing Thammavong và Đoàn đại biểu QH Lào.

Phát biểu ý kiến tại đây, Chủ tịch QH Lào Thoongsing Thammavong trân trọng chuyển lời hỏi thăm và lời chúc mừng trân trọng nhất của Chủ tịch nước CHDCND Lào, Ban Chấp hành T.Ư Đảng NDCM Lào, Ban Thường vụ QH nước CHDCND Lào tới Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Ban Chấp hành T.Ư Đảng CS Việt Nam, Ủy ban Thường vụ QH, các đại biểu QH và nhân dân Việt Nam anh em.

Chủ tịch Thoongsing Thammavong khẳng định, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đã góp phần tăng cường truyền thống đoàn kết, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Chủ tịch QH Lào đánh giá, những thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật thời gian qua cùng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam đã góp phần tích cực bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhân dân Lào vô cùng phấn khởi chứng kiến Việt Nam tiến hành thành công công cuộc đổi mới, đối phó các thách thức trong quá trình phát triển.

Chủ tịch Thammavong giới thiệu với các đại biểu QH Việt Nam tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Lào thời gian qua, phương hướng trong giai đoạn tới và hoạt động của QH nước CHDCND Lào.

Chủ tịch Thoongsing Thammavong nêu rõ vai trò nổi bật của QH Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Vì vậy, QH Việt Nam nhận được sự tin tưởng của toàn xã hội, trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong nước. Sự hợp tác tốt đẹp giữa QH hai nước đã góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước. QH hai nước ngày càng đồng nhất quan điểm về các vấn đề liên quan phong trào hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển. Nhân dân Lào đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của QH Việt Nam dành cho QH nước CHDCND Lào cả về vật chất và kinh nghiệm, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trao đổi thông tin, xây dựng Trung tâm dữ liệu cho Thư viện QH Lào.

Trong năm 2007, Đảng, Nhà nước, QH và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam sẽ cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện quan trọng kỷ niệm mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Quan hệ đặc biệt đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công vun đắp và trở thành di sản quý giá, thiêng liêng của hai dân tộc. Chủ tịch Thammavong cam kết, QH nước CHDCND Lào sẽ làm hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị truyền thống vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt hiếm có  giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào mãi mãi bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến, chân thành cảm ơn Chủ tịch Thoongsing Thammavong về những tình cảm thân thiết, chân tình và những lời nói tốt đẹp, những lời phát biểu hết sức sâu sắc và tình cảm đối với đất nước, con người Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết, thủy chung son sắt của nhân dân các bộ tộc Lào anh em đối với nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch nêu rõ, bài phát biểu đã đem đến cho các đại biểu QH Việt Nam những thông tin quan trọng về thành tựu to lớn mà nhân dân các bộ tộc Lào anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã giành được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như thắng lợi quan trọng của Đại hội lần thứ VIII của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và cuộc bầu cử lần thứ sáu QH Lào vừa qua. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công vun đắp. Nhân dân hai nước chúng ta đã từng kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của mỗi nước.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chúng tôi không bao giờ quên những tình cảm cao đẹp và sự giúp đỡ quý báu mà các đồng chí lãnh đạo và nhân dân các bộ tộc Lào anh em đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Nhân dịp này, tôi xin được thay mặt Đảng, QH, Chính phủ và nhân dân Việt Nam một lần nữa chân thành cảm ơn Đảng, QH, Chính phủ và nhân dân Lào anh em về sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn quý báu đó. Xin chúc nhân dân các bộ tộc Lào anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành công một nước CHDCND Lào hòa bình, độc lập, thống nhất, phồn vinh và thịnh vượng. Quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào của chúng ta mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

(Theo Nhân dân)