Hôm nay (21-11), QH tiếp tục tiến hành kỳ họp thứ 11, khóa XI tại hội trường Ba Đình. Dự kiến trong hai ngày 21 và 22-11, QH sẽ biểu quyết thông qua 11 luật.
Mở đầu phiên làm việc sáng nay, QH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Về tên gọi, đa số đại biểu tán thành với tên gọi của luật là “Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Tuy nhiên cũng còn có ý kiến đề nghị nên xem xét lại tên gọi của Luật để phù hợp đối với cả trường hợp người lao động đi làm việc ở các vùng lãnh thổ.
Về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Về tiền môi giới (Điều 20), có ý kiến băn khoăn tại sao doanh nghiệp lại không được trực tiếp ký Hợp đồng cung ứng lao động mà phải thông qua môi giới? Lại có ý kiến đề nghị quy định rõ định lượng của một phần hay toàn bộ tiền môi giới là bao nhiêu đối với từng nước, bổ sung quy định doanh nghiệp phải thông báo công khai với người lao động về việc nộp, mức nộp tiền môi giới.
QH đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 400/406 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 81,30%. Luật gồm 8 chương, 80 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Tiếp đó, QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bình đẳng giới. Về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động (điều 13), nhiều ĐB tán thành với quy định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động như hiện hành nhưng đề nghị bỏ khoản 3 của điều này. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam, nữ là như nhau nhưng phụ nữ có quyền nghỉ hưu sớm hơn nam từ 1 đến 5 năm, hoặc đề nghị quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam, nữ dựa trên tiêu chí ngành, nghề do Chính phủ quy định. Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu ý kiến của các ĐB đã bỏ khoản 3 tại điều 13 trong dự thảo Luật.
QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ Luật bình đẳng giới với 359/406 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 72,97%. Luật gồm 6 chương, 44 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2007.
QH cũng đã nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, nhiều ý kiến ĐB tán thành lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động đã được quy định trong chương XIV của Bộ Luật lao động nhưng cần sớm có tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện bộ luật này, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
QH đã biểu quyết thông qua 7 điều cụ thể của Luật trước khi thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động với 388/392 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 78,86%. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007.
Cuối phiên làm việc sáng nay, các ĐB QH nước ta đã vinh dự được đón đoàn đại biểu QH nước CHDCND Lào do Chủ tịch QH Lào dẫn đầu đến thăm, phát biểu và tham dự phiên họp. Chủ tịch QH nước ta Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài phát biểu đáp từ.
Chiều nay và sáng mai (22-11), QH tiếp tục biểu quyết thông qua 8 luật còn lại.
(Theo Hà nội mới)