Một số chính sách, quyết định mới của Đảng, Chính phủ

16/11/2006
Ngày 6-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 253/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam thay thế cho quy chế cũ ban hành theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của khu kinh tế mở Chu Lai.

Quy chế mới nêu rõ: khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; không gian kinh tế với môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi và bình đẳng; chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chính phủ khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế mở Chu Lai trong các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và đô thị, phát triển công nghiệp, cảng biển, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính - ngân hàng, vận tải, bảo hiểm... và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác theo quy định của Quy chế này, pháp luật khác liên quan và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- 7-11, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW về việc tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong toàn Đảng, toàn dân từ ngày kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng (03-02-2007) tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

Mục đích của cuộc vận động là: Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

- 7-11, Chính phủ ra Nghị quyết số 28/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2006 với 5 nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội.

- 7-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Quyết định gồm 6 chương, 20 điều quy định hoạt động thương mại biên giới bao gồm: mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới; mua bán hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; xuất nhập cảnh người và phương tiện... Quyết định này thay thế Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24-11-2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hóa qua biên giới với các nước có chung biên giới.

- 8-11, Chính phủ ra Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Nghị định gồm 5 chương, 24 điều quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- 9-11, Chính phủ ra Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, thay thế Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 4-5-2001. Theo Nghị định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), điều hành về chiến lược, chính sách thu hút, quản lý và sử dụng ODA; có phân công, phân cấp trong quản lý, kiểm tra, giám sát và phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối trong thu hút, điều phối, quản lý ODA, soạn thảo các văn bản về quản lý và sử dụng ODA, cùng Bộ Tài chính lập kế hoạch giải ngân, bố trí vốn cho các dự án.

Điểm mới của Nghị định là chủ dự án ODA phải là đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng công trình sau khi dự án kết thúc. Chủ dự án có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA để thực hiện dự án theo nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, các bộ ngành và địa phương có dự án ODA chỉ đóng vai trò là cơ quan chủ quản để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư, không làm chủ đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ODA.

- 9-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2010: Hàng năm giảm 10% số mắc và số tử vong do bệnh truyền nhiễm gây dịch so với số mắc và số tử vong trung bình giai đoạn 2001-2005. Không để dịch lớn xảy ra; giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ mắc xuống 0,04/100.000 dân.

Phấn đấu loại trừ bệnh sởi, bệnh bạch hầu, giảm tỷ lệ mắc các bệnh này xuống 0,1/100.000 dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh ho gà xuống 0,05/100.000 dân. Chủ động đối phó và khống chế kịp thời các bệnh dịch nguy hiểm mới xuất hiện; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3% dân số và giảm dần số người nhiễm mới trong cộng đồng dân cư…

Định hướng đến năm 2020: Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm khống chế, loại trừ tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành như các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, giun, sán…), các bệnh do côn trùng truyền (sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản…), bệnh dại. áp dụng các biện pháp tích cực để ngăn chặn có hiệu quả các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh mới xuất hiện (HIV/AIDS, SARS, cúm A (H5N1),…; sẵn sàng chủ động đối phó với nguy cơ khủng bố sinh học, hóa học…

- 9-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg Ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Đối tượng áp dụng của Quy chế gồm: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo phương thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc dự toán chi của ngân sách Trung ương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc dự toán chi của ngân sách địa phương. Việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định thứ tự ưu tiên như sau: đấu thầu; đặt hàng; giao kế hoạch.

- 9-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/2006/QĐ-TTg phê duyệt chương trình điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng giai đoạn 2006-2010. Theo Quyết định này, tổng kinh phí thực hiện Chương trình điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng giai đoạn 2006-2010 là 49.429.591.000 đồng.

Quyết định nêu rõ: Thông qua việc điều tra rừng toàn diện, liên tục trên quy mô toàn quốc để cung cấp đầy đủ các thông tin về số lượng, chất lượng cung như đánh giá xu hướng diễn biến của rừng trong mối quan hệ với các hoạt động kinh tế-xã hội, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn quốc.

- 12-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1845/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Thương mại, NN-PTNT, Tài chính; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực TW... yêu cầu: Dừng ngay việc xuất khẩu gạo, trừ các hợp đồng đã ký kết theo chủ trương của Chính phủ (với Cu ba và Inđônêxia) mà tàu đã cập cảng Việt Nam trước ngày 12-11-2006; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua vét hàng, đầu cơ, nâng giá gạo; tiếp tục có các biện pháp kiên quyết khắc phục sớm tình hình dịch bệnh và chỉ đạo sản xuất vụ Đông-Xuân đạt kế hoạch.

- 13-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 259/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, bao gồm 10 chương, 55 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty, chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty, tổ chức quản lý Tổng công ty... Ban hành kèm theo Điều lệ là phụ lục danh sách đơn vị phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp và các công ty con, công ty liên kết thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam.

- 14-11, Chính phủ ra Nghị định số 134/2006/NĐ-CP Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Chế độ cử tuyển quy định tại Nghị định này bao gồm: tuyển sinh; tổ chức và kinh phí đào tạo; phân công công tác cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp; bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không chấp hành sự phân công công tác.

- 14-11, Chính phủ ra Nghị định số 136/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Nghị định gồm 7 chương 68 điều quy định về khiếu nại, xử lý đơn khiếu nại; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại; việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại; thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật; thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo; quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân; xử lý vi phạm phát luật khiếu nại, tố cáo và điều khoản thi hành. Nghị định này thay thế Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19-4-2005 của Chính phủ.

- 14-11, Chính phủ ra Nghị định số 137/2006/NĐ-CP Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Nghị định gồm 6 chương, 28 điều quy định: việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản đuợc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước giữa Chính phủ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương.

Nghị định nêu rõ nội dung phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; tài sản do Chính phủ quản lý, tài sản do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý; Quyền hạn, trách nhiệm về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; Phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước; Thanh lý tài sản nhà nước; Phân cấp quản lý tài sản đuợc xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật; Trách nhiệm tổ chức thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; Trách nhiệm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đuợc giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- 14-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 5-7-1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Quyết định sửa đổi và bổ sung như sau: Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương và các chức vụ tương đương, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương Bộ trưởng đuợc tiêu chuẩn diện tích từ tối thiểu tới tối đa cho một chỗ làm việc từ 40 đến 50 m2/người (tiêu chuẩn diện tích này bao gồm diện tích làm việc, diện tích tiếp khách).

Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Văn phòng Trung ương Đảng và các chức vụ tương đương, Thứ trưởng và các chức vụ tương đương được tiêu chuẩn diện tích từ tối thiểu tới tối đa cho một chỗ làm việc từ 30 đến 40 m2/người (tiêu chuẩn diện tích này bao gồm diện tích làm việc, diện tích tiếp khách). Vụ trưởng, Cục trưởng (Cục ngang Vụ), Chánh văn phòng, Trưởng ban của Đảng tại địa phương, Giám đốc Sở và các chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 đến dưới 1,05 đuợc tiêu chuẩn diện tích từ tối thiểu tới tối đa cho một chỗ làm việc từ 20 đến 25 m2/người.

CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

- 2-11, Bộ Tài chính có Thông tư số 103/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 88/2003/TT-BTC ngày 16-9-2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 5-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước.

- 6-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 62/2006/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 84/2005/QĐ-BTC ngày 28-11-2005 của Bộ trưởng bộ Tài chính về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định hồ sơ mua, bán tàu biển và lệ phí đăng ký tàu biển, cấp bằng, chứng chỉ liên quan đến hoạt động tàu biển và công bố cảng biển.

- 8-11, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6525/VPCP-ĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.

- 13-11, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 1816/2006/QĐ-BCA về việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm tham nhũng. Cục CSĐT có nhiệm vụ điều tra các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật; tổ chức phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tham nhũng

(Theo TTXVN)