Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10

21/11/2006
Hôm nay 21-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ trở lại hội trường Ba Đình, dành thời gian cho những nội dung quan trọng của kỳ họp. Theo chương trình, QH sẽ dành hai ngày đầu (ngày 21 và 22-11) để xem xét, biểu quyết thông qua 11 dự án luật...

Đó là các Dự án luật: Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật bình đẳng giới; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật dạy nghề; Luật thể dục thể thao; Luật quản lý thuế; Luật đê điều; Luật chuyển giao công nghệ; Luật cư trú và Luật công chứng.

Từ 23 đến 27-11 (trừ ngày chủ nhật), QH sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH xung quanh việc thực hiện nghị quyết QH về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và sẽ thực hiện phần nội dung sôi nổi nhất của kỳ họp: chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn trước QH tại kỳ họp này. Toàn bộ các phiên giám sát, chất vấn và  trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Cũng trong tuần này, các ĐBQH sẽ được cung cấp toàn bộ văn kiện và các tài liệu liên quan để chuẩn bị phê duyệt nghị định thư về việc VN gia nhập WTO.

* Hôm qua 20-11, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN Huỳnh Đảm đã gửi bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tới kỳ họp 10 của QH. Có 860 ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào các nội dung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, việc VN hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề cải cách hành chính...

Cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mười tháng qua, đáng lưu ý là kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, đời sống người dân được cải thiện, vị thế đất nước ngày càng nâng cao. Cử tri hoan nghênh Đảng, QH, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm và có quyết sách, chủ trương để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

Cũng theo Ủy ban trung ương MTTQ VN, cử tri và nhân dân hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã kiên quyết chỉ đạo các ngành nhanh chóng xử lý nghiêm các vụ tiêu cực. Tuy nhiên cử tri cũng nhấn mạnh: việc phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt kết quả đáng kể do việc thực hiện chưa đồng bộ từ trên xuống dưới, chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, phạm vi rộng ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, chi ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng đất, tài sản công, việc biến nhà công vụ thành nhà tư...

Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về các vụ tiêu cực lớn được phanh phui vừa qua nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử; bức xúc trước tình trạng một số người có chức, quyền bao che cho những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, điển hình là vụ xét xử những người cấp đất trái phép ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng). Cử tri đòi hỏi Chính phủ cần có “cơ chế, chính sách để bảo vệ và biểu dương, khen thưởng đối với những người tố cáo tham nhũng, lãng phí đúng sự thật; kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm mọi trường hợp tham nhũng, lãng phí”.

Ngoài ra, nhiều cử tri nêu ý kiến phản ảnh tình trạng một số cơ quan nhà nước lạm dụng sổ hộ khẩu, gây phiền hà trong các thủ tục công chứng, chứng nhận, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cử tri yêu cầu phải kiên quyết đưa ra khỏi cơ quan nhà nước những người yếu kém về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ.

Về các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp 9, đến nay Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban trung ương MTTQ VN nhận được văn bản trả lời của 30 cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị. “Hầu hết các bộ ngành đã sớm xem xét trả lời và đề ra giải pháp, song vẫn còn một số bộ ngành có trả lời nhưng nặng về giải thích, chưa đưa ra được cơ chế, chính sách cụ thể để giải quyết kịp thời những kiến nghị đúng đắn của cử tri”, MTTQ VN cho biết.

(Theo Tuổi trẻ)