Đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2015-2020

16/06/2015
Ngày 16 tháng 6 năm 2015 tại Hà Nội, Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nâng cao năng lực công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội”. Chủ trì Tọa đàm có Luật sư, TS. Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật gia Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Hà Nội.

Trong phạm vi trao đổi tại Tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 và đề xuất những giải pháp kết nối giữa Sở Tư pháp TP. Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, tác giả xin giới thiệu đến độc giả các vấn đề liên quan đến công tác này như sau:

Thứ nhất, phần các vấn đề chung về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 thì: Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này” (Điều 13).

Theo quy định của Nghị định, các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm:

- Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp;

- Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật;

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp;

- Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp;

- Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật;

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp.

Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

+ Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

+ Chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý được khuyến khích tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chương trình hỗ trợ. 

Về bảo đảm tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý. Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định:

- Kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Nghị định 66 thì kinh phí thực hiện chương trình được dự toán trong ngân sách hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ hai, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của nước ta đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô vốn lớn. Hiện nay, Hà Nội là Thành phố có số lượng doanh nghiệp đăng ký đứng thứ hai trong cả nước. Các doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Với mục đích là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Tư pháp là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội trong việc xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thông qua việc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và thực hiện Quyết định số 2706/QĐ-UB ngày 16/6/2011 về kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2011-2014 và Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 về kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2015. Kết quả giai đoạn 2011-2014, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tổ chức được 55 Hội nghị tập huấn thu hút hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham dự; xây dựng Chương trình “Vấn đề và dư luận”, “Trả lời thư bạn xem truyền hình” phát 15 phút/chương trình, 2 số/tuần trên Đài truyền hình thành phố Hà Nội; tổ chức giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; xây dựng Đề án khoa học cấp Bộ “Nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”…

Trên cơ sở đề xuất Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh và tiếp tục thực hiện nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020 nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh danh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… với các nội dung chính như sau:

Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trọng tâm của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với các nội dung, định hướng như sau:

Một là, việc tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bảo đảm phù hợp với các mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030, gắn với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ba là, việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hướng trọng tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của Hà Nội.

Bốn là, các hoạt động tiếp tục được triển khai phải phát huy hiệu quả của giai đoạn đã thực hiện, không chồng chéo với các chương trình, dự án khác hỗ trợ cho doanh nghiệp; lồng ghép với các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện để bảo đảm tính đồng bộ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí; tăng cường sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các Sở, ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự tham gia chủ động và tích cực của các doanh nghiệp vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ ba, đxuất những giải pháp kết nối giữa Sở Tư pháp TP. Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

Để kết nối giữa Sở Tư pháp TP. Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 nhằm triển khai có hiệu quả, đồng bộ các hoạt động, tránh trùng lặp lãng phí, kém hiệu quả, chúng ta cần triển khai tốt các giải pháp như sau:

Một là, thiết lập kênh thông tin thường xuyên (hàng tuần, hàng tháng) nhằm cũng cấp, trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 của Bộ Tư pháp với Sở Tư pháp TP. Hà Nội và các Sở Tư pháp tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. Kênh thông tin này được thực hiện thông qua việc xây dựng và vận hành Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các chuyên mục thông tin của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;

Hai là, tổ chức khảo sát kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nhằm trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ: hàng Quý tổ chức các tọa đàm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh đại diện cho các vùng miền trên cả nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Ba là, có kế hoạch xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc xây dựng và thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; xây dựng và phát sóng thường xuyên các Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam cũng như các Đài phát thanh, truyền hình tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng các Chương trình đối thoại với doanh nghiệp giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp;

Bốn là, nâng cao năng lực cho những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nói chung. Nghiên cứu thành lập “Phòng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội nhằm triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trên địa bàn thành phố;

Năm là, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa Trung ương và địa phương nhằm tăng cường sự gắn kết và phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tránh trùng lặp lãng phí.

Ths. Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp