Dự thảo Luật bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND: Chỉ chấp nhận hai hình thức vận động bầu cử

04/06/2015
Sáng nay - 3/6, thảo luận về dự thảo Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), nhiều ĐBQH lo ngại, qui định chung chung, định tính sẽ khó cho cử tri trong việc lựa chọn Đại biểu (ĐB) cho mình đủ điều kiện tại các cơ quan dân cử.

Cụ thể hóa tỷ lệ ĐB là nữ, là người dân tộc thiểu số

Việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý ĐBQH, đại biểu HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND sau này. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người DTTS, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Theo ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), phải qui định ngay tỷ lệ % số người là người DTTS, là nữ ứng cử ĐB HĐND chứ qui định kiểu “định tính như vậy là làm khó cho quá trình thực hiện”.

ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) đề nghị dự thảo Luật qui định cơ cấu ứng cử viên là người DTTS trong bầu cử phải tương xứng với số người DTTS trên địa bàn. Bên cạnh đó, hiện QH khóa 13 chỉ có 15,6% ĐBQH là người DTTS nên theo phân tích của ĐB Danh Út (Kiên Giang) nếu dự thảo Luật qui định ứng cử viên là người DTTS là 18% thì tỷ lệ người DTTS trúng cử ĐBQH chỉ khoảng 12% (thấp hơn hiện tại). Do đó, cần qui định tỷ lệ ứng cử viên là người DTTS từ 20-25% để đạt tỷ lệ người DTTS trúng cử. Đồng thời, phải tăng tỷ lệ ứng cử viên ĐBQH là nữ lên 38% để tỷ lệ nữ trúng cử đạt tỷ lệ 30% tổng số ĐBQH.

Không bổ sung hình thức vận động bầu cử

Nhiều ĐBQH tán thành việc cho hai hình thức vận động bầu cử là: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới, người ứng cử tự vận động...  

Một số ĐBQH không đồng tình bổ sung hình thức vận động tranh cử để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử. Hơn nữa “đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý. Đồng thời, cần bổ sung qui định cấm vận động bầu cử trái pháp luật” – ĐB Danh Út (Kiên Giang) khẳng định.

ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng chỉ qui định không được sử dụng lợi ích khác ngoài tiền, tài sản để lôi kéo, mua chuộc cử tri, dùng vật chất để vận động bầu cử là chưa đủ mà phải bổ sung thêm qui định về cấm dùng lợi ích tinh thần để vận động bầu cử. ĐBQH cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi hứa hẹn ủng hộ tiền nếu trúng cử, hành vi sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để vận động bầu cử, sử dụng kinh phí sai trong quá trình bầu cử, cấm tự vận động bầu cử, vận động tại lối đi lại. ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị qui định rõ, “không được vận động bầu cử trong quá trình bỏ phiếu”.

Dự thảo Luật lần này đã cụ thể hóa quy định về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Tuy nhiên, ĐB Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) nhận thấy, 4 hành vi bị cấm trong vận động bầu cử còn chung chung, chưa triệt để đảm bảo sự công bằng giữa ứng cử viên là người có vị trí trong cơ quan nhà nước với các ứng cử viên khác vì thực tế trường hợp sử dụng vị trí việc làm, hoạt động của cơ quan để vận động bầu cử cho bản thân. Nhưng theo UBTVQH, vận động bầu cử có thể còn có nhiều hành vi có thể diễn ra làm ảnh hưởng đến tính dân chủ, bình đẳng trong việc bầu cử, do vậy, khó có thể liệt kê được một cách chi tiết mà chỉ nên quy định một cách khái quát.

Huy Anh