Luật TCCP cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trước pháp luật, trước Đảng, trước Nhà nước, trước Nhân dân.
Đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ hiện hành và nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đối với các vấn đề cụ thể, có ý kiến đề xuất cần rà soát thêm, nhưng cơ bản các đại biểu đồng ý với dự thảo Luật đã trình ra Quốc hội tại Phiên họp này.
Tại Hội trường, đa số ý kiến đều tán thành với quy định của dự thảo là Quốc hội quyết định cơ cấu, số lượng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ khi Quốc hội phê chuẩn Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này mà không nên quy định trong dự thảo Luật tên và số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nên tham khảo quy định của một số nước về việc quy định cứng một số Bộ như Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, còn các Bộ khác do yêu cầu quản lý, yêu cầu phát triển của đất nước thì trình Quốc hội phê chuẩn ngay tại kỳ họp.
Về cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ. Đặc biệt, liên quan đến địa vị pháp lý của Văn phòng Chính phủ, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị “Cần làm rõ địa vị pháp lý của Văn phòng Chính phủ. Số lượng cấp phó của Văn phòng Chính phủ là bao nhiêu? Văn phòng Chính phủ không là Bộ thì có phải là cơ quan ngang Bộ không?”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong từng lĩnh vực chuyên ngành, đa số các ý kiến đều nhất trí, dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể hơn, tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Các đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và xác định rõ trách nhiệm đây là trách nhiệm gì, chứ không chỉ có trách nhiệm báo cáo, giải trình mà phải là trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Nhân dân, trách nhiệm bảo đảm mọi hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm đối với những sai sót xảy ra.
Vấn đề phân cấp giữa Trung ương với địa phương, giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, đây là vấn đề lớn cần được rà soát và quy định cụ thể hơn.
Làm rõ hơn trách nhiệm của tập thể, của Ủy ban nhân dân với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong dự thảo Luật
Thảo luận về Luật TCCQĐP, đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với dự thảo Luật, đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; cơ cấu của Hội đồng nhân dân; về các Ban của Hội đồng nhân dân; số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân; cơ cấu của thành viên Thường trực Ủy ban nhân dân…
Các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của tập thể, của Ủy ban nhân dân với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ số lượng thành viên của Ủy ban nhân dân. Có ý kiến đề nghị tán thành như dự thảo Luật là tất cả thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân đều là thành viên của Ủy ban nhân dân. Có một số ý kiến đề nghị cân nhắc, lựa chọn, không phải tất cả thành viên là trưởng của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân đều là thành viên Ủy ban nhân dân.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải rà soát lại các điều khoản trong dự thảo Luật để bảo đảm hơn tính thống nhất của các quy định trong các văn bản pháp luật như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tiếp công dân và một số luật chuyên ngành khác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, dự kiến ngày 19 tháng 6 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật TCCQĐP.
Phương Liên