Tên, bao gồm họ, tên chính và tên đệm (nếu có) là để phân biệt người này với người khác hoặc để phân biệt giới tính (như nguyên tắc đặt tên “nam “văn”, nữ “thị” trước đây). Cùng với thời gian, việc đặt tên cho con đã có nhiều thay đổi, mang những màu sắc thể hiện quan điểm, nhận thức đa dạng của các bậc cha mẹ nhưng không ít lần làm cán bộ hộ tịch “hoang mang”.
Hoang mang vì những tên “độc, lạ”…
Điều 26 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”, “Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Điều 27 Bộ luật này cũng quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong trường hợp việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình, người được xác định lại giới tính… cũng có quyền thay đổi họ, tên. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay đều không quy định cụ thể về việc đặt tên của một người, chẳng hạn nếu người đó đặt tên quá dài, quá xấu, tên nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước ngoài…. thì có bị cấm hay không. Luật cũng không quy định một người đặt tên cho con theo tên các lãnh tụ, các anh hùng dân tộc, tên thần thánh… thì có bị cấm hay không.
Vì thế, những cái tên độc, lạ, “hướng ngoại” đến mức “kinh dị”, không phù hợp với văn hóa Việt Nam hay “đặt tên xấu cho dễ nuôi” như Rô Nan Đô, Lò Vi Sóng, Võ Ê Vo, Quách Quan Tài, Trần Như Nhộng, Đinh Bằng Thép, Hồ Hận Tình Đời, Phan Bá Đạo, Đồng Hồ Thụy Sỹ, Đinh San U, Cao Nô Ki A, Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì hoặc dài “dường như vô tận” Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Lương Tâm Nhân… xuất hiện mà cán bộ hộ tịch chỉ biết “chấp nhận” mà đăng ký hộ tịch cho công dân.
Thế nhưng, đến nay, chưa ai đưa ra được một định nghĩa chính xác tên thuần Việt là tên phải đáp ứng những tiêu chí như thế nào? Mặc dù pháp luật cho phép được thay đổi, cải chính hộ tịch nếu tên ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó. Song với tâm lý “ngại” thủ tục hành chính, nhiều người mang theo những cái tên “không giống ai” suốt đời.
Hạn chế trong 25 chữ cái có “phạm” quyền nhân thân?
Qui định trong dự thảo BLDS (sửa đổi) về việc “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” đã được nhiều ý kiến đồng tình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ quá dài, không thuần Việt mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối. Nên việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này. “Khống chế số chữ cái khi đặt tên là rất cần thiết. Bởi nếu đặt tên quá dài thì các giấy tờ như khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ BHXH… thậm chí phải viết tắt mới đủ chỗ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho công dân mà còn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp” – Bộ trưởng khẳng định.
Đồng thời, cần qui định cụ thể để đồng bộ với quy định có liên quan của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam (khoản 4 Điều 19) và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam (khoản 4 Điều 23). Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ”quyền đối với họ, tên và chữ đệm là một trong những quyền nhân thân của cá nhân nên dự thảo Bộ luật không nên quy định quá nhiều hạn chế việc thực hiện quyền này”.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ về giới hạn số chữ cái trong tên công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng quy định tên đầy đủ 25 chữ cái là hợp lý để không khó khăn, phức tạp trong việc làm hồ sơ hay giao dịch.
Tuy nhiên, nhìn nhận, ”quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân của một cá nhân mà Hiến pháp và Bộ luật Dân sự không nên hạn chế”, một số luật sư cùng cho rằng, chỉ cần tên đó đọc được, phát âm được và đầy đủ thành phần họ, tên, còn độ dài hay kiểu tên là quyền của người đặt tên, người được đặt tên quyết định. Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng lo ngại qui định như dự thảo sẽ “vượt qua Hiến pháp” và “tên dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cộng đồng, đến đạo đức xã hội đâu. Nếu lo ngại tên dài phức tạp thì nên khuyến khích người dân vì đặt tên dài thì chính con của họ sẽ bị ảnh hưởng chứ không nên áp đặt” - bà Mai lập luận.
Đặt tên để giữ gốc văn hóa
Trong thời đại công nghệ số và thế giới phẳng hiện nay, bất kỳ việc gì cũng có thể giải quyết nhanh chóng chỉ bằng một cú kích chuột trên màn hình máy tính. Và ngay cả trong việc thiêng liêng là đặt tên cho con, nhiều bậc cha mẹ cũng đang bị sự “chỉ đạo” của Google, Bing (những trang mạng tìm kiếm có số người truy cập lớn trên thế giới)… hay những cuốn sách với tựa đề mỹ miều với những gợi ý về những cái tên “đẹp”, hợp phong thủy, mang lại vận số tốt…
Chỉ cần gõ từ khóa “đặt tên cho bé” sẽ có hơn 1,9 triệu kết quả tìm kiếm trên Google, đem đến nguồn thông tin vô tận để các bậc cha mẹ lựa chọn được cái tên mà theo họ là đẹp, ý nghĩa cho con. Và trong điều kiện “con hiếm” như hiện nay (mỗi gia đình chỉ có 1-2 con) thì việc đặt tên càng trở nên khó khăn với vô vàn những lựa chọn. Kết quả là một đứa trẻ có thể phải mang cái tên phức tạp hay “lạ lẫm với xã hội” chỉ để chứa đựng hết những mong muốn, kỳ vọng, ý thích của ông bà, cha mẹ.
Thậm chí, để ăn chắc có tên “phúc lộc” cho con, cháu, nhiều ông bà, cha mẹ còn cất công đi “xin tên” từ các thầy phong thủy, thầy bói. Chưa có tổng kết nào để khẳng định, những cái tên được “xin” kỳ công như vậy có giúp cho người có tên phát tài, thành đạt, hạnh phúc hay không nhưng trước mắt là khiến cho việc đặt tên có trường hợp trở thành nguồn cơn của những mâu thuẫn, xung đột gia đình.
Trường hợp gia đình anh T.H.T (Hà Nội) là một ví dụ. Khi biết sẽ có con gái đầu lòng, anh T. háo hức muốn đặt cho con một cái tên đơn giản, mang tính truyền thống của gia đình là theo tên một loài hoa nên anh chọn cho con tên là “T.H.Lan”. Song, vợ anh T. lại hâm mộ các Hoa đán của điện ảnh Trung Quốc nên muốn con gái được mang tên là T.Củng Lợi. Mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm khi không ai chịu chấp nhận cái tên của người kia đặt cho con, vợ a T. bỏ về nhà ngoại.
Theo các nhà văn hóa, cái tên quyết định đến số phận mỗi con người bởi nó mang truyền thống, phong tục, theo những nguyên tắc được kết tinh và truyền lại từ đời này qua đời khác. Vì thế, với xu hướng đặt tên cho con “vượt khuôn khổ” như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức về truyền thống văn hóa của người Việt.
Mặc dù đặt tên “đa văn hóa” là một phần của quá trình hội nhập, song theo nhiều cử tri, những cái tên “nửa Việt nửa Hàn” hay “nửa Việt nửa Tây” đang khiến cho gốc văn hóa Việt bị lung lay. Trong giới showbiz, rất nhiều những nghệ sỹ trẻ có những cái tên ghép cho hợp “mốt” cho dù chưa chắc bản thân họ hiểu được ý nghĩa cái tên mà họ sáng tạo ra.
Ngay như trường hợp của Hòa Minzy – người chơi trong một gameshow trên truyền hình. Khi được hỏi vì sao có cái tên không thuần Việt như vậy, cô lý giải “vì tên cha mẹ đặt cho không phù hợp với showbiz nên cô lấy nghệ danh đó”. Song dù xúc động trươc giọng hát của cô nhưng danh hài Hoài Linh – giám khảo của chương trình vẫn khuyên “một điều thật lòng với con rằng, con hãy thay đổi nghệ danh của mình đi để khán giả ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng nhớ đến con".
Như các luật sư phân tích, đặt tên là quyền nhân thân của mỗi người, cần được tôn trọng mà không bị “gò bó” bởi qui định như đề xuất trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Nhưng thực tế, người thực hiện việc đặt tên lại không phải là người mang cái tên đó. Trong khi, cái tên sẽ theo mỗi người suốt cuộc đời nên không thể chỉ vì quyền tự do của người này (người đặt tên) mà để ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác (người được đặt tên).
Thực tế đã cho thấy, nhiều người phải mang những cái tên không hợp ý, thậm chí khiến họ xấu hổ, khó khăn trong cuộc sống chỉ bởi những cảm xúc nhất thời của cha mẹ. Vì vậy, qui định về nguyên tắc đặt tên là cần thiết để quyền tự do của mọi người được đảm bảo ngay trong vấn đề này./.
Huy Anh
Nhiều nước đã có luật cấm đặt tên xấu
Báo chí Mexico đưa tin các nhà chức trách nước này đã thống nhất phê duyệt điều luật cấm các bé gái được đặt tên là Shakira. Lý do là ca sỹ nổi tiếng Shakira người Colombia này đã có những cảnh quay nóng bỏng trong Album thể hiện bài hát mang tên Can't Remember To Forget You (tạm dịch: Không thể nhớ để quên).
Các nhà chức trách Mexico cho rằng những cảnh quay này không phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục và không muốn các bé gái bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc giống như hành động do Shakira thể hiện. Trước đó, hồi tháng 12/2013, các nhà chức trách Mexico cũng ban hành một điều luật cấm sử dụng tên gọi nhằm châm biếm hay sỉ nhục ai đó.
Tại Đức, đầu tháng 4 này, một thị trấn ở bang Bavaria đã quyết định cấm một cặp vợ chồng nhà báo đặt tên con trai của họ là WikiLeaks, tên của trang Web tiết lộ tin mật của Julian Assange. Trước đó, những cái tên như McDonald, Woodstock và Peppermint đã bị từ chối do các bậc cha mẹ Đức không được phép dùng tên thị trấn hay thương hiệu để đặt cho con mình.
Nghiêm trọng hơn, tại Ai Cập, hồi tháng 9/2013, một nông dân đã bị bắt sau khi ông này đặt tên con lừa của mình theo tên của tướng Abdel Fattah al-Sisi, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ai Cập.
Tại NewZealand, hồi tháng 10/2013, Bộ Nội vụ đã đưa ra một danh sách 77 cái tên buộc cha mẹ không được phép đặt cho trẻ trong đó có những cái tên như "V8" (ký hiệu động cơ xe hơi V8), "Queen Victoria" (nữ hoàng Victoria), "2nd" (hai), "3rd" (ba) hoặc "King" (Vua), "Duke" (Công tước)….
Tại Malaysia, Chính phủ cũng cấm các gia đình đặt tên xấu cho con theo cả 3 loại ngôn ngữ chính hiện đang sử dụng phổ biến ở nước này. Người ta liệt kê một danh sách dài những cái tên “đặc trưng” nhất không thể xuất hiện trong giấy khai sinh như Zani - “gã trăng gió”, Woti - “giao hợp”, Karrupan - “thằng mọi”, Sivappi - “da trắng”… |