Pháp luật hộ tịch từng bước hoàn thiện bảo đảm bình đẳng giới

28/05/2015
Để thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ trong đời sống hôn nhân và gia đình, pháp luật hộ tịch đã từng bước được hoàn thiện theo hướng xóa bỏ sự phân biệt về vai trò nam và nữ trong đăng ký hộ tịch.

 

Trong thời gian qua pháp luật về hộ tịch không ngừng được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước khắc phục những hạn chế về phong tục, tập quán của các vùng, miền, dân tộc để bảo đảm sự bình đẳng về pháp luật và bình đẳng giữa nam và nữ trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. Với sự đa dạng về phong tục, tập quán của các dân tộc, cho đến nay đời sống hôn nhân và gia đình của người Việt Nam vẫn bị tác động mạnh mẽ bởi hệ thống luật tục, phong tục, tập quán, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số. Từ đó vẫn tồn tại quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, đánh giá thấp vai trò, địa vị của phụ nữ và trẻ em. Theo Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh luôn theo thứ tự ưu tiên xác định theo nơi cư trú của người mẹ. Nghị định 158/2005/NĐ-CP vẫn quy định đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người mẹ, nhưng đã mở rộng ra trường hợp đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người cha nêu không xác định được nơi cư trú của người mẹ. Luật Hộ tịch hiện nay đã xóa bỏ thứ tự ưu tiên trên trong đăng ký hộ tịch, mà quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ (Điều 13) hoặc thẩm quyền đăng ký kết hôn theo nơi cư trú của nam hoặc nữ (Điều 17).

Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn cũng từng bước được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện. Thời gian giải quyết các việc hộ tịch trên cũng được rút ngắn lại. Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi. Theo đó, người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính cho trẻ em dưới 06 tuổi chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Quy định này đã tạo nhiều thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân khi đi làm các thủ tục về hộ tịch.

Luật Hộ tịch cũng được xây dựng theo hướng nhấn mạnh vai trò và xác định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Điều 8, Luật Hộ tịch quy định “1.Nhà nước có chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. 2.Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ thông tin cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch”. Bên cạnh đó là yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã thực hiện nhiệm vụ đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh để bảo đảm chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Việc quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch là rất quan trọng. Quy định này nhằm bảo đảm trên thực thế các quy định về đăng ký kết hôn, khai sinh, khắc phục tình trạng tảo hôn và chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Thực tế, mặc dù các quy định về hộ tịch như nhau nhưng đối với nam và nữ lại có những tác động không giống nhau. Khi không đăng ký kết hôn, người phụ nữ sẽ gặp thiệt thòi hơn. Việc tảo hôn cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ và trẻ em bởi người mẹ mang thai trong độ tuổi vị thành niên khi tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện.

Pháp luật hộ tịch cũng đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho cơ sở để tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện đăng ký khai sinh, kết hôn. Theo đó, UBND xã, phường, thị trấn nơi gần dân nhất sẽ thực hiện việc đăng ký khai sinh, kết hôn. Điều này sẽ giúp cho phụ nữ và trẻ em gái dễ dàng tiếp cận với các hoạt động hộ tịch.

Pháp luật hộ tịch cũng quy định việc miễn lệ phí đăng ký khai sinh đúng hạn, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (Điều 11). Quy định này giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí để người dân, đặc biệt là những nơi, những đối tượng có điều kiện khó khăn không gặp rào cản trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch. Quy định miễn lệ phí đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn còn là điều kiện thúc đẩy người dân đi đăng ký hộ tịch đúng hạn. Khảo sát cho thấy, vẫn còn 2% số người được hỏi cho biết rào cản đối với người dân trong đăng ký hộ tịch là vấn đề lệ phí; 34% số công chức tại cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch cho biết cần thực hiện các biện pháp miễn, giảm lệ phí hộ tịch để góp phần thúc đẩy đăng ký hộ tịch. Điều này cũng thể hiện chính sách thực hiện bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong vấn đề hộ tịch, thúc đẩy đăng ký khai sinh, kết hôn, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích cho phụ nữ và trẻ em gái – đối tượng yếu thế, thường chịu thòi trong nhiều trường hợp tảo hôn hoặc chung sống như vợ chồng.

Thanh Bình