Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tối đa 1%
Đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc bổ sung 02 chính sách mới trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN): Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN nhằm nâng cao ý thức đối với công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động, người chủ sử dụng lao động, cũng như tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị TNLĐ hoặc BNN.
Mặc dù nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị mở rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho nhóm lao động không có quan hệ lao động để tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách bảo vệ được quyền lợi của người lao động nhưng, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện, chưa quy định chính sách bảo hiểm BNN vì “việc xác định và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm BNN cho người lao động khu vực này khó khả thi nên giao Chính phủ quyết định cụ thể về đối tượng và thời điểm thực hiện chính sách này cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn” – bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Dự thảo được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 qui định mức đóng mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN là 1%. Tuy nhiên, theo ĐBQH, qui định “cứng” như vậy là tạo gánh nặng cho người lao động, không đảm bảo sự linh hoạt về mức đóng cho phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn nên UBTVQH đã điều chỉnh qui định này theo hướng: mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN tối đa 1% và Chính phủ căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN để quyết định mức đóng cụ thể.
Trợ cấp TNLĐ cho người lao động không phân biệt lỗi
Cùng với đề nghị trợ cấp TNLĐ cho người lao động không phân biệt lỗi do người sử dụng lao động hay người lao động vì nhiều khi không phân biệt rạch ròi được chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp này, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) đề nghị, “xử lý nghiêm những hành vi gây ra mất ATVSLĐ”. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng yêu cầu “có chế tài đủ mạnh nếu người sử dụng lao động để mất ATVSLĐ và cơ chế kiểm soát, chính sách cụ thể tránh tình trạng nhiều đơn vị tham gia bảo hiểm tự nguyện nhưng chính sách hỗ trợ khác nhau” nhằm xử lý những nguyên nhân dẫn đến mất ATVSLĐ.
Bên cạnh đó, từ thực tế, nhiều vụ TNLĐ thương tâm xảy ra trong trường hợp người lao động nhận việc tại nhà vì người sử dụng lao động “khoán trắng” trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và không chịu trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường khi có TNLĐ, BNN xảy ra vì “nằm ngoài khu vực cơ sở”, ĐBQH kiến nghị nghiên cứu bổ sung các qui định về điều kiện nhận việc tại nhà, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động nhận việc tại nhà như đối với người lao động tại cơ sở.
Để có thể phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gây mất ATVSLĐ, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ ở cấp Bộ và cấp tỉnh; một số ý kiến tán thành tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ mở rộng đến cấp huyện; có ý kiến đề nghị chỉ tổ chức ở những địa bàn trọng điểm, không nên tất cả các huyện; thực hiện thanh tra viên theo vùng hoặc khoán biên chế thanh tra trong ngành lao động để không tăng biên chế. Bên cạnh đó, UBTVQH yêu cầu Chính phủ quan tâm để tăng cường số lượng thanh tra cho các tỉnh, thành phố có đông người lao động để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ./.
Huy Anh
Phải bắt buộc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động
Nhiều ĐBQH kiến nghị bổ sung qui định về trách nhiệm của người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chứ không chỉ “khuyến khích” như hiện hành. Bởi thống kê cho thấy, hiện chỉ có hơn 1,2 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ hàng năm là chưa đáp ứng yêu cầu tầm soát BNN, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Đồng thời, một số ý kiến tán thành tăng cường kiểm soát BNN vì “BNN sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời người lao động, gia đình” bằng việc công bố danh mục BNN, định kỳ rà soát, sửa đổi bổ sung. ĐBQH cũng chỉ ra, danh mục BNN hiện hành chưa hợp lý. Hiện trong danh mục mới có 29 BNN trong khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố 105 BNN thuộc 54 nhóm bệnh. |