Rà soát kỹ loại văn bản mỗi cấp được ban hành
Thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã là một trong những vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật ban hành VBQPPL vì có tính quyết định đến việc “đơn giản hóa” hệ thống VBQPPL.
Thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành VBQPPL hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên... Vì vậy, một số ĐBQH đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đồng tình giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, cho dù việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, xã còn hạn chế nhưng đa số VBQPPL của các cấp này đều xuất phát từ yêu cầu quản lý ở địa phương, cơ sở nên vẫn cần giao cho các cấp này ban hành VBQPPL. Còn ĐB Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) đồng tình cấp huyện, xã được ban hành VBQPPL vì “nhà nước ta quản lý xã hội bằng pháp luật và pháp luật thể hiện bằng VBQPPL”.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Hồng Thắm (TP.Cần Thơ) lại không đồng tình về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã vì “nếu tiếp tục giữ thẩm quyền này thì càng làm hệ thống pháp luật phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến sự thông suốt trong điều hành, quản lý từ TƯ đến địa phương”. Song dung hòa với giải trình của UBTVQH về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã, ĐB này kiến nghị “nếu giao cho cấp xã ban hành VBQPPL thì phải rà soát kỹ loại VB mà cấp này được ban hành”.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành VBQPPL của các cấp chính quyền này. Đồng tình ĐB Tô Văn Tám nhấn mạnh, “quan trọng là phải có cơ chế đảm bảo chất lượng ban hành VB của các cấp này, xác định rõ cơ quan có thẩm quyền, hình thức, qui trình để khắc phục hạn chế ban hành nhiều nhưng chủ yếu sao chép”. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), phải có giải pháp mạnh mẽ trong thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL khi giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL.
Xử nặng trách nhiệm để hết VB “nợ đọng”
Tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn, qui định chi tiết là một hạn chế lớn trong công tác xây dựng pháp luật và hạn chế hiệu quả quá trình thi hành pháp luật. Vì vậy, nhiều ĐBQH quan tâm đến những qui định của dự thảo Luật ban hành VBQPPL để “xử lý” triệt để tình trạng này.
Một số ý kiến đề nghị qui định cơ quan soạn thảo phải trình dự thảo VB hướng dẫn, qui định chi tiết ngay khi trình dự thảo Luật. Song ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thấy qui định như vậy “chưa thực sự phù hợp thực tế vì thời hạn từ khi luật được thông qua đến khi có hiệu lực dài, có những nội dung trong luật thời điểm có hiệu lực mới rõ” nên cần cân nhắc. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đề nghị cân nhắc qui định này vì khó đảm bảo tính khả thi và nên xác định rõ điều kiện để việc ban hành VB qui định chi tiết có “độ trễ” so với VBQPPL.
Xuất phát từ thực tế, nhiều VB hướng dẫn, qui định chi tiết “vượt” VB được hướng dẫn, không còn mang ý nghĩa giải thích mà đặt ra qui định pháp luật mới nên ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, dự thảo Luật phải qui định rõ các VB hướng dẫn, qui định chi tiết “không được qui định thêm quyền, trách nhiệm pháp lý mới vượt quá VB được hướng dẫn”.
Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính kịp thời của VB hướng dẫn, cơ chế xác định rõ trách nhiệm, xử lý rõ ràng đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để đảm bảo kỷ luật trong vấn đề ban hành VBQPPL, hạn chế tình trạng “nợ đọng” VB. Đặc biệt, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung qui định về giám sát việc ban hành VB hướng dẫn, qui định chi tiết để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi các VB này chậm được ban hành…/.
Hương Giang
Tạo điều kiện tham gia góp ý kiến xây dựng VBQPPL
Có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với các Dự thảo VBQPPL, vì như vậy sẽ hạn chế sự tham gia góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân về các dự thảo văn bản. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về việc tham gia góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân như quy định hiện hành để bảo đảm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và phù hợp với Hiến pháp trong việc góp ý kiến vào các dự án, dự thảo.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 5 của Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định cứng cơ quan, tổ chức chủ trì việc lấy ý kiến đối với các Dự thảo văn bản, mà quy định theo hướng tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm các chủ thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân đều có quyền góp ý kiến và được tạo điều kiện góp ý kiến về các dự thảo VBQPPL. |