Quốc hội nghe về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán

23/05/2015
Chiều ngày 22/5/2015, Quốc hội đã nghe về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này. Tiếp sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật.
 

Theo đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện Luật kế toán năm 2004 thì bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế về nguyên tắc kế toán, về việc đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán, về hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán, kiểm soát chất lượng công tác kế toán. Chẳng hạn như về nguyên tắc kế toán, Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá). Ở Việt Nam, cơ chế kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, như vậy đây cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập. Về kiểm soát chất lượng công tác kế toán trong thời gian qua, chất lượng kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và  đòi hỏi của thực tế, còn có biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận đã xảy ra và bị cơ quan pháp luật xử lý; báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao.

Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật kế toán. Việc sửa đổi, bổ sung được tiến hành trên cơ sở một số quan điểm chỉ đạo như quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hình thành từng bước cơ chế chính sách, công cụ quản lý kinh tế - xã hội, trong đó xác định kế toán là công cụ để phản ánh biến động nguồn vốn, tài sản của quốc gia, của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức một cách đầy đủ, chính xác, trung thực, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và giám sát việc thực thi pháp luật; kế thừa các quy định trong Luật Kế toán hiện hành, theo đó sẽ tiếp tục duy trì các quy định pháp luật vẫn có giá trị áp dụng, chỉ bổ sung, sửa đổi những điều cần thiết, khắc phục các bất cập trong thực thi. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính khả thi, khả năng giám sát của Nhà nước, không làm ảnh hưởng, biến động lớn đối với hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước; nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc, chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế vào điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong điều kiện đang trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm tuân thủ pháp Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Luật đầu tư năm 2014, luật doanh nghiệp năm 2014 và các luật hiện hành.

Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 vấn đề cơ bản của Luật kế toán hiện hành: (1) Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm cả “tổ chức nghề nghiệp kế toán”; bổ sung đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (như cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước); kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán; Tổ chức nghề nghiệp kế toán); (2) Về đối tượng kế toán (thay đổi tên gọi một số đối tượng kế toán cho phù hợp với Hiến pháp như “Tài sản công”, “nợ công” thay cho cụm từ “tài sản nhà nước”, “nợ nhà nước”); (3) Về nguyên tắc hạch toán (bổ sung một số nội dung mang tính nguyên tắc như: Các tài sản sau khi hạch toán theo giá gốc có thể được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá trị thực tế); Đồng thời, có bổ sung phần giải thích từ ngữ “Giá trị hợp lý” để thống nhất cách hiểu và áp dụng luật; phân ra các nhóm tài sản để đánh giá theo giá trị hợp lý như đã báo cáo ở trên và giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể. Đối với các tài sản khác không nằm trong nhóm tài sản quy định trong Luật, trình Quốc hội giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn khi hội đủ điều kiện); (4) Về Chuẩn mực kế toán (Chính phủ trình Quốc hội giao cho Bộ Tài chính quy định như Luật Kế toán hiện hành); (5) Về Chế độ kế toán (bổ sung, sửa đổi một số nội dung chi tiết về chế độ kế toán như chứng từ điện tử và sổ kế toán: cho phép lữu trữ chứng từ điện tử và sổ kế toán trên các phương tiện điện tử nhưng phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; thay cụm từ “hóa đơn bán hàng” bằng cụm từ “hóa đơn” cho phù hợp với thực tế vì các giao dịch hiện nay không phải chỉ có hóa đơn bán hàng; bổ sung quy định mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính); (6) Về báo cáo tài chính nhà nước (bổ sung một số nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản trong dự thảo Luật như nội dung của báo cáo tài chính nhà nước; các loại báo cáo tài chính nhà nước; giao cho Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước); (7) Về các hành vi bị cấm (bổ sung thêm một số hành vi như: Cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên...); (8) Về kiểm soát nội bộ và kiểm tra kế toán (bổ sung quy định về kiểm soát và kiểm toán nội bộ; bổ sung quy định các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra kế toán); (9) Về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng; (10) Về việc tăng cường tính công khai, minh bạch; (11) Về hành nghề dịch vụ kế toán; (12) Về tổ chức nghề nghiệp kế toán; (13) Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với nhiều nội dung do Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, một số vấn đề, các Ủy viên Ủy ban vẫn còn ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như về nguyên tắc kiểm toán, đa số Ủy viên ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, phản ánh đầy đủ, đúng bản chất, giá trị của tài sản.Một số ý kiến chưa đồng tình với quy định của Dự thảo luật vì cho rằng, việc cho phép hạch toán, điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán theo giá trị hợp lý có thể tạo kẽ hở để phát sinh các trường hợp ghi khống, ghi giá trị ảo của tài sản, khó khăn trong quản lý, kiểm soát, đánh giá giá trị thực chất của tài sản và Dự thảo luật chưa quy định cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để xác định các loại tài sản được điều chỉnh theo giá trị hợp lý, có thể dẫn đến tùy tiện trong ban hành danh mục và tổ chức thực hiện. Về kiểm tra kế toán, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, kiểm tra kế toán là nội dung quan trọng nhằm phát hiện các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kế toán. Tuy nhiên, Luật hiện hành và Dự thảo luật mới chỉ dừng ở việc quy định về một số nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, ... mà chưa quy định về thời hạn, cách thức để đơn vị được kiểm tra phản hồi hoặc giải trình, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với biên bản, kết luận kiểm tra; thời hạn cơ quan kiểm tra phải trả lời, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với đơn vị được kiểm tra,... dẫn đến chưa bảo đảm tính bao quát, đầy đủ. Về hành nghề dịch vụ kế toán, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền tổ chức và xác nhận việc đã tham gia các chương trình cập nhật kiến thức; cơ quan trình cũng cần phải rà soát, cân nhắc về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán,... theo hướng một mặt phải bảo đảm tính chặt chẽ của Luật song mặt khác phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề nghị không quy định việc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán vì dự thảo Luật phí, lệ phí đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII theo hướng quy định chi tiết danh mục phí, lệ phí và thẩm quyền quy định, ban hành đối với các loại phí, lệ phí.

Theo Chương trình làm việc, dự kiến sáng ngày 29 tháng 5 năm 2015, Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ và chiều ngày 10 tháng 6 năm 2015 sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Phương Liên