Năm 2014, trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Luật Hộ tịch đã chính thức được thông qua và có hiệu lực thi hành 01/01/2016. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có loại văn bản là Luật để điều chỉnh về hộ tịch sau nhiều năm điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ. So với quy định của pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Luật quy định cấp Số định danh khi đăng ký khai sinh; quy định ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền địa phương; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch; cải tiến quy trình nộp, tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ khi đăng ký hộ tịch; luật hóa tiêu chuẩn của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn.
Trong buổi hội thảo công bố kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã nhắc lại “tầm nhìn chung” trong Tuyên bố của Hội nghị trên là “đến năm 2024, mọi người dân trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều được hưởng lợi từ hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch toàn diện và cập nhật, hệ thống này tạo điều kiện để công nhận và hỗ trợ công tác quản lý tốt, hỗ trợ y tế và phát triển”. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả “tầm nhìn” trên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết, theo quy định của Luật Hộ tịch thì Số định danh cá nhân sẽ được cấp khi thực hiện đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, do trong giao đoạn chuyển tiếp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được xây dựng xong, do đó chưa có sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu này với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan quản lý Số định danh cá nhân vẫn phải thực hiện thủ công và chưa thể cung cấp ngay được Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Chúng ta chưa thể tiến hành đồng bộ phương thức đăng ký hộ tịch điện tử tại các địa phương, mà sẽ phải thực hiện đồng thời cả phương thức đăng ký thủ công và đăng ký trên cơ sở dữ liệu điện tử trong thời gian nhất định (05 năm). Vì theo lộ trình thực hiện Đề án 896 (Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 08 tháng 06 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020) thì đến hết năm 2015, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện việc cập nhật thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu này và cấp Số định danh cá nhân. Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân đều có Số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại bốn cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Chúng ta cũng chưa có Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử kết nối giữa các cơ quan hộ tịch ở trong nước với nhau, cũng như với các cơ quan đại diện để chia sẻ và kết nối thông tin phục vụ cho việc tra cứu, xác minh thông tin về hộ tịch của cá nhân, do đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân cũng như việc cấp giấy tờ hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch cũng chưa thể triển khai thực hiện.
Mặc dù Luật Hộ tịch đã có quy định ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại – đây cũng là một trong những điều kiện để thực hiện có hiệu quả “tầm nhìn chung” nêu trên. Tuy nhiên, việc tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, thống kê hộ tịch ở các địa phương không đồng đều và theo những mức độ khác nhau. Theo báo cáo của địa phương gửi về Bộ Tư pháp, hiện nay có 14 tỉnh, thành phố đã trang bị cho 100% số công chức tư pháp – hộ tịch, 11 tỉnh đã trang bị cho trên 55% số công chức tư pháp – hộ tịch máy tính có kết nối internet phục vụ riêng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, số địa phương còn lại trang bị ở mức thấp từ 20% đến dưới 55%. Như vậy, với trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật của các địa phương không đồng đều thì khó có thể triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, thống kê hộ tịch tại các địa phương.
Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ đặt ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đó là phải xây dựng một đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch chuyên nghiệp, chuyên trách và ổn định. Trong bối cảnh hiện nay, ở các xã – phường –thị trấn (UBND cấp xã) công chức tư pháp – hộ tịch ngoài việc tham mưu, giúp UBND cấp xã, còn phải đảm nhiệm 12 đầu việc, trong đó có việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Do đó, công chức tư pháp – hộ tịch ít có thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, công chức tư pháp – hộ tịch là vị trí dễ bị thay đổi theo nhiệm kỳ của UBND nên chuyên môn bị hạn chế do không được bồi dưỡng thường xuyên.
Trong khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức tư pháp – hộ tịch còn có hạn chế, thì yêu cầu về tính chính xác của giấy tờ hộ tịch và các số liệu thống kê hộ tịch cũng khó được bảo đảm. Hiện nay, tiêu chí thống kê hộ tịch của Việt Nam còn chưa phù hợp với các nước trong khu vực, nhiều tiêu chí thống kê tại Việt Nam còn thiếu như: thống kê việc tử thì chưa thực hiện việc cấp xác nhận y tế về nguyên nhân chết; thống kê việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng chưa được phân định chính xác số lượng kết hôn theo độ tuổi, quốc gia, lãnh thổ…; phương pháp thống kê còn lạc hậ, hệ thống chỉ tiêu thống kê chưa hoàn thiện, phương pháp thống kê chưa được đổi mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế, thủ tục hành chính rườm rà… đều là những thách thức không nhỏ trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch hiện nay.
Thanh Bình