Quan điểm lý luận của Đảng Cộng sản VN về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN qua 30 năm đổi mới

13/05/2015
Cho đến năm 1994, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” mới chính thức được sử dụng trong văn kiện của Đảng, nhưng quan điểm về các đặc trưng, các giá trị phổ quát của Nhà nước pháp quyền đã được Đảng ta nhận thức và phát triển từ những ngày đầu mới thành lập; hệ thống quan điểm đó được dựa trên cơ sở quan trọng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền.
 

Đặc biệt, từ sau khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (1986), tư tưởng, quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền đã được phát triển ngày càng toàn diện, ở một tầm cao mới. Đó cũng là kết quả của quá trình tìm tòi, thể nghiệm, phát triển quan điểm, nhận thức. Bài viết này sẽ khái quát quá trình đó thông qua các văn kiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca” (được diễn ca trên cơ sở “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Versailles năm 1919”) gồm tám điểm, Hồ Chí Minh đã viết:

“....

Hai xin phép luật sửa sang,

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.

....

Bảy xin hiến pháp ban hành,

Trǎm đều phải có thần linh pháp quyền” [1].

Các yêu sách trong “Việt Nam yêu cầu ca” đã phản ánh rõ ràng tư tưởng của Hồ Chí Minh về sự cần thiết, tất yếu phải có hiến pháp và pháp quyền, cũng như mối quan hệ giữa hiến pháp và pháp quyền, trong đó hiến pháp là tiền đề của pháp quyền và các yêu sách này cũng chính là bước đầu yêu cầu về một nền pháp quyền ở Việt Nam[2]. Tư tưởng của Bác cũng đã thể hiện một quan điểm hoàn chỉnh về yêu cầu quản lý xã hội theo pháp luật trong một xã hội dân chủ, một Nhà nước hợp hiến, theo tinh thần pháp quyền và thượng tôn pháp luật.

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với những giá trị phổ biến về tư tưởng Nhà nước pháp quyền của nhân loại, quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền ngày càng được hoàn chỉnh, đặc biệt là từ sau khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới (năm 1986), với việc đẩy mạnh cải cách, mở cửa, hội nhập.

1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã mở ra công cuộc đổi mới đất nước toàn diện đất nước, bắt đầu từ đổi mới kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế. Sự kiện này đã tạo ra nhiều tiền đề về kinh tế xã hội, kiến trúc hạ tầng cho sự đổi mới kiến trúc thượng tầng về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Mặc dù ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, khái niệm “Nhà nước pháp quyền” chưa được đề cập đến trong các văn kiện chính thức của Đảng, nhưng những tư tưởng, nội dung của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay chịu sự chi phối bởi những kết quả cụ thể của công cuộc đổi mới đất nước từ những năm này.

2. Nhận thức về Nhà nước pháp quyền đã thể hiện một bước phát triển mới tại Đại hội VII (1991) của Đảng, khi đã đề cập đến những nội dung thể hiện được các đặc trưng, yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) có nêu một số nguyên tắc pháp quyền để xây dựng nhà nước, như: Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; Nhà nước ta phải có đủ quyền lực và đủ khả năng định ra luật pháp và tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật; Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó[3].

Năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII,  lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền”. Trong văn kiện của Hội nghị này có đề ra nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như sau: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo[4]. Có thể nói, quan điểm về Nhà nước pháp quyền thể hiện trong văn kiện này đã đánh dấu bước phát triển quan trọng, rõ nét và toàn diện hơn trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có nêu năm quan điểm để xây dựng Nhà nước, trong đó có quan điểm về Nhà nước pháp quyền, gắn với yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN. Tại quan điểm thứ tư: “Tăng cường pháp chế XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Đó là cơ sở chủ yếu điều chỉnh các quan hệ cơ bản trong xã hội. Đồng thời coi trọng giáo dục nâng cao đạo đức XHCN, kết hợp biện pháp hành chính với giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí. Cán bộ viên chức nhà nước phải nêu gương đạo đức. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, trước hết trong đảng và cơ quan nhà nước, làm cho mọi người hiểu và làm theo pháp luật”[5].

3. Tiếp đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) tiếp tục khẳng định quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền tương tự như quan điểm đã được nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (1997) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh có nêu ba yêu cầu để xây dựng Nhà nước trong thời kỳ mới (gồm: phát huy tốt hơn và nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước) và khẳng định: “Ba yêu cầu trên quan hệ chặt chẽ với nhau, dựa trên nền tảng chung là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”[6]. Có thể nói rằng, với thể hiện tại văn kiện này, Đảng ta đã đưa ra quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền như một quan điểm chủ đạo, có tính chất bao trùm, chi phối toàn bộ nội dung về đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

4. Đại hội IX (2001) tiếp tục đánh dấu bước pháp triển mới và toàn diện hơn của Đảng trong quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Văn kiện Đại hội khẳng định “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”[7].

Đến năm 2005, Bộ chính trị Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành hai nghị quyết quan trọng trực tiếp liên quan đến các nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, đó là: (1) Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với hai trọng tâm là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (2) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với quan điểm là “Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[8].

Như vậy, đến Đại hội IX, nhận thức về Nhà nước pháp quyền của Đảng ta được phát triển lên một tầm cao mới có tính đột phá về tư duy lý luận, phù hợp với thực tiễn nước ta. Đến lúc này, “Nhà nước pháp quyền, xét về cơ sở nhận thức và cơ sở thực tiễn, đã có chỗ đứng ở Việt Nam”[9].

5. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng đã tổng kết một trong những bài học lớn qua thực tiễn 20 năm đổi mới là: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội”[10]. Đồng thời, văn kiện tại Đại hội X tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cùng với đó, Đại hội X đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đấu tranh phòng chống tham nhũng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, theo quan điểm của Đảng,  xây dựng Nhà nước pháp quyền phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và gắn chặt với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời, gắn bó chặt chẽ với đẩy mạnh cải cách trên các lĩnh vực cũng như với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đặt ra của đất nước ta trong giai đoạn này. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, tư tưởng của Đại hội X về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vừa là nội dung của mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vừa là con đường, phương thức để đi đến mục tiêu đó[11].

6. Đến Đại hội thứ XI (2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (được bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã xác định mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng dựa trên tám phương hướng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong tám phương hướng cơ bản đó.

Đại hội lần thứ XI cũng tiếp tục khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[12]. Như vậy, kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên nguyên tắc thống nhất quyền lực, có sự phân công, phối hợp là một trong những yếu tố cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Ðại hội XI đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là phải bảo đảm Nhà nước ta thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Nhà nước phải chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Ðồng thời, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải bảo đảm Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế XHCN, kỷ luật, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của xã hội.

Như vậy, cùng với quá trình đổi mới và phát triển đất nước, quan điểm, tư tưởng của Đảng về Nhà nước pháp quyền được nhận thức, đổi mới và phát triển không ngừng; đây cũng là quá trình đúc kết tư tưởng và học thuyết về Nhà nước pháp quyền trong vận dụng, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng ta đã chính thức được thể chế hoá tại Điều 2 Hiến pháp nước cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2013: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”./.

                                                                           Lê Tuấn Phong

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.1, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 436 – 437.

[2] Nguyễn Đăng Dung, Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Tường, ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền’, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr.58, 59.

[3] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", ngày 27-6-1991, xem tại www.dangcongsan.vn

[4] Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, xem tại http://caicachhanhchinh.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/71/0/101/0/137/Van_kien_Hoi_nghi_dai_bieu_toan_quoc_giua_nhiem ky_khoa_VII_20_25_1_1994

 [5] Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, xem tại www.dangcongsan.vn

 [6] Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, xem tại www.dangcongsan.vn

[7] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, xem tại www.dangcongsan.vn

[8] Theo ‘Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020’, Mục I.2.

[9] GS.TSKH Đào Trí Úc, ‘Báo cáo chuyên đề: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân – Tổng kết 30 năm hình thành và phát triển’, nguồn: Bộ Tư pháp.

[10] Theo ‘Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng’, xem tại www.dangcongsan.vn.

[11] GS.TSKH Đào Trí Úc, ‘Báo cáo chuyên đề: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân – Tổng kết 30 năm hình thành và phát triển’, nguồn: Bộ Tư pháp.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 85-86