Tổ chức tòa án nhân dân cấp cao theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân

30/04/2015
Kể từ ngày 01/06/2015 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ có hiệu lực thi hành, nhiều nhiệm vụ quan trọng được đặt ra, trong đó có nhiệm vụ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao. 
Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp là vấn đề quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta và được xác định trong nhiều Nghị quyết, văn kiện từ Đại hội VI của Đảng đến nay. Chủ trương của Đảng đã xác định rất rõ vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Theo đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng hướng: tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và sơ thẩm một số vụ án; Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.  

Kết luận 79-KL/TW ngày 28/07/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW đã xác định tổ chức Tòa án theo 4 cấp, cụ thể:

Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực xét xử hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án và từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính. Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thành lập ở một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm , tái thẩm. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh có một Tòa án nhân dân cấp tỉnh như hiện nay, nhưng không còn Ủy ban Thẩm phán.

Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại kháng nghị. Trước mắt sẽ thành lập 03 Tòa án nhân dân cấp cao tại ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; được tổ chức tinh gọn với số lượng thẩm phán từ 13-17 người, là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong xét xử và có uy tín cao trong xã hội. 

Bên cạnh đó, thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm các tổ chức Đảng của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh và chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao gồm các tổ chức đảng của Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tòa án nhân dân tối cao chịu sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.   

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (từ ngày 02/05 đến ngày 11/05/2013) xác định nhiệm vụ tiếp tục dổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, giải quyết tranh chấp về đất đai; đổi mới cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm.

Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định: Tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được tổ chức theo 04 cấp như Kết luận 70-KL/TW. Đối với Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng 02 phương án: phương án một, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW và phương án hai là tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện.

 Ngày 24/11/2014, Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đây là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Điều 3 của Luật đã quy định Tòa án nhân dân được tổ chức 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.   

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các tòa án nhân dân cấp cao là cấp Tòa được thành lập mới. Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân cấp cao. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của 03 Tòa phúc thẩm, 05 Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Thẩm phán các Tòa án nhân dân cấp tỉnh trước đây.

Như vậy, theo thống kê, từ năm 2010-2014 các Tòa án nhân dân cấp cao xét xử trung bình 4780 vụ án các loại/năm. Trong đó xét xử phúc thẩm các vụ án do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị trung bình 3541 vụ/năm. Xét xử theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm trung bình 1239 vụ/năm. Trong đó 652 vụ án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thẩm phán các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 587 vụ án các loại thuộc thẩm quyền của các Tòa án chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao trước đây. Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trung bình 8075 đơn/năm. Trong đó 1000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc quyền của Ủy ban Thẩm phán các Tòa án nhân dân cấp tỉnh trước đây; 7075 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao trước đây (Qua số liệu thống kê cho thấy số lượng đơn mà các Tòa chuyên trách phải giải quyết hàng năm tăng 15%).

Căn cứ vào số lượng các loại vụ việc thuộc thẩm quyền của các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy, nếu thành lập Tòa án nhân dân cấp cao như tinh thần của Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị thì mỗi Tòa án nhân dân cấp cao Trung bình có số lượng các loại vụ việc phải giải quyết là rất lớn (xét xử gần 1600 vụ án các loại/năm, chủ yếu là xét xử phúc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trung bình 2.700 đơn/năm);

Qua số liệu thống kê cho thấy, năm 2010, tại thời điểm ban hành Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, số lượng các vụ án do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thuộc thẩm quyền phải giải quyết của 03 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao là 3.304 vụ/năm. Đến tháng 09/2014 là 4103 vụ/năm, tăng 24,2%; số lượng các loại vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm bao gồm các vụ án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thấm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao tăng 17,2% so với năm 2010 (năm 2010 là 1450 vụ án các loại, năm 2014 là 1700 vụ án các loại); số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 18,7% so với năm 2010 (năm 2010 là 10.072 đơn, năm 2014 là 11.960 đơn).

Như vậy, bên cạnh việc số lượng vụ việc phải xét xử và giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm nhiều và ngày một tăng lên thì mỗi Tòa án nhân dân cấp cao sẽ có địa bàn trải dài, gây tốn kém trong công tác xét xử. Bởi để đảm bảo thuận tiện cho người dân, Hội đồng xét xử phải đi đến các địa phương, xét xử phúc thẩm tại trụ sở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Do đó, không khắc phục được những hạn chế của việc tổ chức các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao trước đây, ảnh hưởng đến tính chất của việc xét xử phúc thẩm, han hành bản án chậm trễ, Thẩm phán cũng phải di chuyển trên địa bàn rộng, mất nhiều thời gian, không bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử…

Xuất phát từ thực tế công tác xét xử, để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc nghiên cứu thành lập tòa án nhân dân cấp cao là rất quan trọng và đã được Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thành lập 05 Tòa án nhân dân cấp cao ở 05 khu vực là: Khu vực Hà Nội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung; Khu vực Đà Nẵng gồm thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; Khu vực thành phố Hồ Chí Minh gồm TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; Khu vực phía Bắc gồm các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Bộ; Khu vực phía Nam gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ.