Bộ luật tố tụng dân sự: Phải ngăn chặn việc lợi dụng tố tụng

21/04/2015
Hội thảo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 21/4 cho thấy, dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) còn nhiều vấn đề cần làm rõ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi tiến hành TTDS.

Không để “biến tướng” thủ tục rút gọn

Qui trình, trình tự, thủ tục chặt chẽ trong TTDS đòi hỏi những thiết chế tố tụng phức tạp, tốn kém, quá trình tố tụng kéo dài, dẫn đến tình trạng án tồn đọng ngày càng tăng, quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng.

Vì vậy, nhiều ý kiến thống nhất cần bổ sung thủ tục rút gọn vào Bộ luật TTDS để giải quyết những tranh chấp nhỏ, chứng cứ rõ ràng một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Cụ thể là những vụ án với số tiền tranh chấp ở mức từ dưới 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện một số ngân hàng thương mại, không nên lấy mức 100 triệu đồng là tiêu chí áp dụng thủ tục rút gọn trong TTDS vì thực tế nếu tranh chấp ở mức này thì doanh nghiệp không đi kiện để khỏi mệt mỏi khi được thi hành án. Nguyên Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng đồng tình phải căn cứ vào mức tiền tranh chấp để áp dụng thủ tục rút gọn và không nên có giai đoạn phúc thẩm đối với những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian, thủ tục TTDS.

Với một số doanh nghiệp, thủ tục rút gọn nên được áp dụng đối với những việc có “hồ sơ rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và các bên đương sự cùng thừa nhận sự việc”. Song lo ngại, qui định các bên cùng thừa nhận sẽ hạn chế việc tiến hành vụ kiện theo thủ tục rút gọn, một số ý kiến đề nghị chỉ cần bên nguyên đơn thừa nhận vụ việc là đủ điều kiện.

Ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TANDTC cho biết, dự thảo Bộ luật qui định, bản án, quyết định được giải quyết theo thủ tục rút gọn được quyền  kháng cáo, kháng nghị. Thủ tục phúc thẩm đối với những vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn cũng được xây dựng theo hướng thủ tục xét xử bút lục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Triều Dương, Đại học Luật Hà Nội đề nghị qui định cụ thể về thủ tục phúc thẩm trong thủ tục rút gọn theo hướng “ấn định một thời gian cụ thể bản án có hiệu lực, tránh tình trạng đương sự lợi dụng kéo một vụ án từ thủ tục rút gọn sang vụ án xét xử theo thủ tục thông thường”.

Cẩn trọng việc “triệt hạ” nhau bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Hiện có 2 luồng ý kiến liên quan đến qui định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong TTDS. Loại ý kiến thứ 1, cần áp dụng biện pháp này gắn liền với việc khởi kiện vụ án dân sự. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị cần bổ sung quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cam kết của Việt Nam với WTO.

Ông Ngô Văn Tuế, Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, nếu không có biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chưa cần khởi kiện. Nhưng theo Luật sư Trần Xuân Tiền, thực tế cho thấy nhiều trường hợp đương sự muốn Tòa án áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản hiện có hoặc quyền lợi của cá nhân mà không muốn khởi kiện. Hoặc sau đó, các bên tự giải quyết được tranh chấp nên không khởi kiện nên nếu qui định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gắn liền với việc khởi kiện vụ án dân sự” thì sẽ hạn chế điều kiện áp dụng các biện pháp này.

Từ đó, nhiều ý kiến nhận thấy, để biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện có hiệu quả, cần quy định cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để “bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng tài sản hiện có, tránh tẩu tán tài sản, gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để đảm bảo thi hành án”.

Đồng thời, có ý kiến lưu ý, cần chế tài chặt chẽ đối với những người yêu cầu áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời để biện pháp này không bị lợi dung nhằm “triệt hạ” nhau.

Huy Anh

Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội: “Thực tiễn nhiều trường hợp vi phạm, cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, nhưng TTDS lại thiếu những chế tài đủ mạnh để có thể xử phạt nên nhìn chung các Tòa án chủ yếu là áp dụng biện pháp nhắc nhở. Do đó, cần có biện  pháp, chế tài đủ mạnh và thực thi việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong tố tụng ngay trong Bộ luật TTDS nhằm đảm bảo các vụ việc, vụ án được giải quyết nhanh chóng, kịp thời”.