Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác trợ giúp pháp lý

20/04/2015
Sau 08 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, công tác này đã đạt được  nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tổ chức bộ máy của hệ thống trợ giúp pháp lý được củng cố, kiện toàn. 100% Trung tâm đã đổi tên, khắc con dấu mới và hoạt động theo Luật Trợ giúp pháp lý; có quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Bộ máy lãnh đạo được kiện toàn với Giám đốc và Phó Giám đốc. Các phòng chuyên môn và Chi nhánh được thành lập, bảo đảm chuyên môn hóa, tách hoạt động quản lý hành chính với hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hướng mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở với hơn 140 phòng chuyên môn; hơn 200 Chi nhánh được thành lập. Trung bình mỗi Trung tâm có từ 15 - 20 biên chế (80% - 90% có trình độ cử nhân Luật).
 

Một số Trung tâm có trên 20 biên chế (Lào Cai, Cần Thơ, Quảng Nam, Hà Nội, Bình Định, ĐăkLăk, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hải Phòng). Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tăng về số lượng, có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Cả nước đã có hơn 500 Trợ giúp viên pháp lý; hơn 9.000 cộng tác viên  trợ giúp pháp lý , trong đó có 1.050 cộng tác viên là luật sư. Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý đã được coi trọng với trên 1.000 đợt tập huấn được tổ chức cho trên hơn 100.000 lượt người tham dự. Chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý tại cơ sở được nâng lên đáng kể, về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được triển khai ngày càng đi vào nề nếp, theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là trợ giúp pháp lý lưu động được quan tâm. Hoạt động tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng ngày càng đi vào nề nếp, ổn định và bảo đảm chất lượng. Đến hết 31/12/2014, cả nước đã thực hiện được gần 800.000 vụ việc, trong đó vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng. Công tác đánh giá và quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được  triển khai thực hiện nghiêm túc, nhờ vậy, chất lượng vụ việc được nâng lên; không để xảy ra những sai sót, vi phạm pháp luật để người được trợ giúp phải khiếu nại, tố cáo, phản ánh,  kiến nghị hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quan hệ giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước ở các tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí và chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn và phát huy hiệu quả trên thực tế. Hội đồng phối hợp công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và Tổ giúp việc cho Hội đồng được thành lập (63/63 tỉnh, thành phố) và đi vào hoạt động thường xuyên. Kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng được được quan tâm. Ngân sách trung ương đã dành nguồn kinh phí nhất định cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngân sách địa phương bảo đảm tương đối đầy đủ kinh phí chi cho tổ chức bộ máy, cán bộ và một nguồn kinh phí nhất định cho hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau đây: Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm nguồn lực cán bộ để bổ sung cho đội ngũ Trợ giúp viên còn bị động, lúng túng, thiếu tính tổng thể. Đội ngũ Trợ giúp viên phát triển chậm, thiếu ổn định, làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao, thiếu kinh nghiệm tham gia tố tụng. Một số cộng tác viên giỏi phải kiêm nhiệm nhiều việc trong cơ quan, đơn vị, nên không có điều kiện tham gia thường xuyên. Chất lượng hoạt động của một số cộng tác viên chưa bảo đảm; thiếu cộng tác viên là luật sư; chưa thu hút được người có kiến thức, hiểu biết pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Một số địa phương triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo phong trào, chất lượng chưa cao, thậm chí còn chạy theo số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng vụ việc. Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các tổ chức thực hiện trợ  giúp pháp lý ở một số tỉnh còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa có trụ sở làm việc riêng, chưa thuận lợi cho người dân tiếp cận, trang bị máy tính, phương tiện làm việc không đủ theo định mức tiêu chuẩn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý chưa được quan tâm đúng mức.

Để nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian cần thực hiện một số giải pháp sau:  Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống trợ giúp pháp lý từ trung ương đến địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác trợ giúp pháp lý đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước kết hợp với kiểm tra, giám sát. Duy trì chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất về tổ chức và hoạt động đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, để bảo đảm đúng pháp luật, không để xảy ra sai sót. Kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý. Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho trợ giúp pháp lý; phê phán, lên án với hành vi lệch lạc, lợi dụng trợ giúp pháp lý để trục lợi. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với vụ việc phức tạp, kéo dài. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Quản lý chặt chẽ các nguồn lực đầu tư cho hoạt động của Trung tâm để bảo đảm sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn và có hiệu quả trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Làm tốt công tác khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý, đặc biệt là sự hỗ trợ, tài trợ, đầu tư từ các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

                                               

                                                                       Đào Dư Long