Sáu tháng đầu năm 2015, trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác trọng tâm của Hệ thống cơ quan THADS và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp để triển khai đồng bộ các mặt công tác ngay từ những tháng đầu năm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; đồng thời có văn bản gửi Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm về thi hành án trong toàn quốc; chỉ đạo rà soát và tập trung giải quyết đối với những vụ án lớn, phức tạp, kéo dài, những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng...Đặc biệt, qua theo dõi, tổng hợp kết quả công tác THADS 05 tháng đầu năm 2015 (từ 01/10/2014 đến 28/02/2015) cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, kết quả THADS chưa có sự đột phá, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS có Buổi làm việc (ngày 18/03/2015) với 23 địa phương có lượng án lớn hoặc còn có những tồn tại, hạn chế nhằm đề ra những giải pháp cụ thể nâng cao kết quả thi hành án trong thời gian tới.
Bên cạnh việc chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp công tác tốt hơn nữa với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương, như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an…, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ trên, tạo sự thông suốt trong toàn hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các cơ quan THADS địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền.
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo THADS cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan THADS cũng đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quyết định giao chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Kế hoạch trọng tâm công tác THADS... Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các cơ quan THADS địa phương đã thực hiện nghiêm túc các đợt phát động cao điểm thi hành án với khẩu hiệu “Tích cực hưởng ứng đợt cao điểm về thi hành án năm 2015” tại trụ sở làm việc để động viên, nhắc nhở công chức, người lao động trong đơn vị phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2015.
Trong công tác xây dựng đề án, văn bản, ngày 25 tháng 11 năm 2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015). Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp triển khai thi hành Luật và có văn bản quán triệt các đơn vị thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật được ban hành. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ “In, xuất bản Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự”; thực hiện rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trên cơ sở đó, đề xuất cụ thể “Danh mục các văn bản hướng dẫn thi hành cần sửa đổi, bổ sung, hợp nhất, thay thế”; tổ chức Hội nghị quán triệt theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tập trung vào việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Thông tư liên tịch hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước và sửa đổi Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (để bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự)
Trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, với mục tiêu tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, năm 2015, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng và ban hành Quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm, Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự trong nội bộ ngành thi hành án dân sự; tiến hành rà soát, lập Danh sách và xây dựng Kế hoạch giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tập trung giải quyết đối với một số vụ việc nổi cộm như: vụ Trần Kia (Bạc Liêu), vụ Phạm Thị Hồng Tự (Hải Phòng), vụ Công ty TNHH Phương Trang (Lâm Đồng)…
Trong công tác kiểm tra, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra trong phạm vi toàn quốc đối với công tác thụ lý, phân loại án, công tác thống kê thi hành án dân sự và kết quả thi hành án; xây dựng Kế hoạch kiểm tra trong toàn quốc những việc hoãn và ủy thác thi hành án, kết quả thi hành án những tháng cuối năm, nhằm bảo đảm kết quả thi hành án dân sự thực chất, bền vững.
Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được quan tâm chú trọng với phương châm “đi trước một bước”. Năm 2015, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện phương châm tuyển đủ, sử dụng có hiệu quả số biên chế được giao; thực hiện kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo quản lý; tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo.
Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác THADS bảo đảm đúng quy định pháp luật, toàn Hệ thống tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các sai phạm, kể cả sai phạm mới và sai phạm xảy ra từ trước... nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành án dân sự trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ công chức các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh.
Trong lĩnh vực tiếp công dân, Bộ Tư pháp đã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về việc tiếp công dân. Cùng với việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân (Quyết định số 1696/QĐ-BTP ngày 18/7/2014), Bộ Tư pháp đã thường xuyên phân công Lãnh đạo Bộ thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chỉ đạo Tổng cục THADS phân công Lãnh đạo Tổng cục trực tiếp tiếp công dân vào Thứ Ba hàng tuần tại trụ sở Bộ Tư pháp, bố trí, cử công chức thường trực tiếp công dân; có văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân; thực hiện rà soát nội dung Quy chế tiếp công dân của đơn vị và các văn bản có liên quan để ban hành, sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với các quy định mới; bố trí nhân sự, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp công dân; thiết lập và công khai số điện thoại “đường dây nóng” để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin.
Về công tác đôn đốc thi hành án hành chính, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính: Công văn số 2702/TCTHADS-NV2 ngày 29/8/2014 đôn đốc Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối tham mưu cho UBND cùng cấp báo cáo kết quả công tác thi hành án hành chính theo Chỉ thị 17/CT-TTg; Công văn số 4175/TCTHADS-NV2 ngày 13/10/2014 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc tổng kết, báo cáo thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính trong lĩnh vực thi hành án. Thực hiện các văn bản trên, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính, Chỉ thị số 17/CT-TTg, tổ chức triển khai đến các đơn vị trực thuộc và đã báo cáo kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2015 về Tổng cục.
Về công tác bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực THADS, Bộ Tư pháp đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các cơ quan THADS địa phương thực hiện nghiêm túc công tác này, trong đó chú trọng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến việc phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; khi phát sinh vụ việc bồi thường, kịp thời lập hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, thực hiện Kế hoạch số 4085/KH-BCĐ ngày 26/9/2014 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương (Ban Chỉ đạo), Quyết định số 3016/QĐ-BTP ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức Hội nghị, ngày 04/12/2014, trên cơ sở tham mưu của Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo đã tổ chức “Hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ đã báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương có văn bản đề nghị các tỉnh/thành ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả thí điểm chế định Thừa phát lại; tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ ban hành và trực tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Thừa phát lại, trong đó có Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 của Bộ Tư pháp, Công văn số 570/TCTHADS-NV1 gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đề nghị rà soát những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Thừa phát lại. Ngày 13/3/2015, Tổng cục tổ chức cuộc họp với đại diện một số Sở Tư pháp, đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan để thảo luận về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại. Ngay sau Buổi làm việc, Tổng cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thí điểm chế định này: (i) Công văn gửi các Sở Tư pháp về chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết một số khó khăn, vướng mắc; (ii) Công văn gửi Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rõ hơn về mức chi phí tống đạt cho nhiều người trong cùng địa chỉ là xã, phường tại Văn bản số 138/TANDTC-KHTC ngày 13/8/2014 của Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, Tổng cục cũng đã tham mưu giúp Bộ Tư pháp đăng ký đưa Luật Thừa phát lại vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự