Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Gắn trách nhiệm cụ thể mới nâng cao được chất lượng

25/05/2015
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Gắn trách nhiệm cụ thể mới nâng cao được chất lượng
“Chính phủ đề nghị cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng về dự án trình còn cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm phản biện đến cùng để giải quyết những tồn tại về chất lượng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết như vậy tại phiên họp tổ vể dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 diễn ra sáng 22/5.

Chưa thoát cảnh “cho vào rút ra”

ĐBQH bày tỏ sự thất vọng khi Chương trình vẫn xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 vẫn tái diễn cảnh “cho vào rút ra”… đều cần thiết, nhất là trong số những dự án được đề nghị lùi thời hạn  trình lại là một số luật liên quan đến quyền của người dân như Luật biểu tình, Luật về Hội. Theo một số ĐBQH, việc “đưa vào rút ra” cho thấy quyết tâm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua chưa đạt yêu cầu.

Ngược lại, có những luật đề nghị bổ sung vào Chương trình để sửa đổi, bổ sung khi chưa kịp có hiệu lực: Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân; Luật Công an nhân dân; Luật Nhà ở; Luật Cán bộ, Công chức; Luật viên chức khiến nhiều ĐBQH bức xúc và lo ngại về “chất lượng làm luật và uy tín của Quốc hội trong việc ban hành văn bản pháp luật”. Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, các luật chưa có hiệu lực đã được đề nghị sửa là để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan, tránh việc phải ban hành các nghị định trái luật.

 Theo ĐBQH, chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa còn là do một nguyên nhân quan trọng “khối lượng luật phải ban hành quá lớn (gần 30 dự án/kỳ) nên luật khó đi vào cuộc sống vì không nắm bắt hết được các văn bản pháp luật được ban hành”. Do đó, xây dựng Chương trình hàng năm cần có sự lựa chọn, ưu tiên các dự án đã có Chương trình toàn khóa, rồi mới tính đến việc bổ sung các dự án luật khác.

Cẩn trọng khi sửa đổi, bổ sung

Đó là kiến nghị của nhiều ĐBQH đối với các đề nghị sửa đổi, bổ sung các đạo luật. ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ủy ban pháp luật nêu, “việc sửa đổi, bổ sung phải cẩn trọng, chỉ  khi thực sự cần thiết và có giới hạn số lượng luật được sửa đổi, bổ sung nhất định, tránh tình trạng như một số luật vừa thông qua đã tính chuyện sửa đổi, bổ sung…”. ĐB Hoàng Đăng Quang – Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình cũng đề nghị chỉ điều chỉnh Chương trình khi thực sự cần thiết, “chứ nhiều khi UBTVQH dễ dãi quá trong việc này”.

Đa số ĐBQH biểu thị đồng tình chỉ bổ sung những dự án luật liên quan đến những vấn đề cấp bách, thực sự nguy hại đến an ninh quốc gia vào Chương trình. “Chương trình linh hoạt nhưng phải có nguyên tắc, không thể kỳ trước thông qua, kỳ sau bổ sung” – nhiều ĐB nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dự án Luật ban hành VBQPPL sẽ chỉ qui định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm nên để đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động này, cũng như hạn chế được tình trạng “đưa vào rút ra” gây bức xúc lâu nay.

ĐBQH cũng không yên tâm khi trong Chương trình có nhiều dự án luật phải “vắt” 2 nhiệm kỳ mới được thông qua. ĐB Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh còn cho rằng, “không nên để một dự án luật “vắt” qua 2 khóa như Luật Biểu tình vì khó đảm bảo chất lượng”. Nên để nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đa số ĐBQH, cần chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, thậm chí có thể thành lập bộ phận chuyên sâu nghiên cứu để các dự án luật sâu sát hơn và gắn trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án luật trong việc chuẩn bị các dự án trước khi trình Quốc hội./.

H.Giang

Cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND, ĐBQH nhấn mạnh đến việc phải qui định đủ chế tài và chặt chẽ để nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, không để diễn tiễn việc giám sát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, giám sát qua báo cáo, ít đi thực tế như hiện nay khiến địa phương thiếu nhiệt tình, “kêu ca” nhiều về giám sát.

Cùng với đó, phải có qui định về trách nhiệm trả lời kiến nghị của đoàn giám sát mới tăng cường hiệu lực của hoạt động này, không để “đánh trống bỏ dùi”. Ngoài ra, ĐB Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách kiến nghị, “không nên trao quyền quá lớn cho đoàn giám sát quá cao (như quyền đình chỉ nếu thấy VB ban hành chưa phù hợp) để tránh sự vội vàng.

Còn theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “yếu nhất hiện nay khâu tổ chức thi hành pháp luật mà giám sát chưa có hiệu lực trong vấn đề này vì đang hành chính hóa hoạt động giám sát, không đặt ĐBQH, ĐB HĐND làm trung tâm trong hoạt động giám sát. Dự thảo Luật phải lưu ý khắc phục được vấn đề này”./.