Theo dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi) được trình Quốc hội chiều ngày 21/5, “công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội nhân dân; công dân đang phục vụ trong Công an nhân dân, Cảnh sát biển Việt Nam và đang làm công tác cơ yếu; người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của Bộ Y tế” là các đối tượng miễn đăng ký NVQS.
Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu vào tháng 4 hàng năm
Thảo luận về dự thảo Luật này, có ý kiến đề nghị điều chỉnh thời gian đăng ký NVQS là tháng sáu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, dự thảo Luật quy định thời điểm công dân đăng ký NVQS vào tháng tư hàng năm là kế thừa Luật NVQS hiện hành, đã được thực hiện ổn định, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định đăng ký nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong Luật dân quân tự vệ, nhằm tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định, “quan điểm xây dựng luật là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân thực hiện NVQS. Nhưng ở nông thôn, sau Tết thanh niên đã lên đường đi làm xa, nếu qui định tháng 4 mới gọi nhập ngũ như dự thảo lại ảnh hưởng đến công việc, đời sống của công dân. Vì vậy, cần qui định đăng ký nhập ngũ lần đầu là tháng 2 hàng năm thì thuận cho công dân hơn”.
Cũng vì lý do nhiều người trong độ tuổi nhập ngũ đi làm ăn xa, ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đề nghị “quy định gia đình được đăng ký NVQS lần đầu thay khi công dân đi làm xa”. Song ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, việc quy định công dân phải trực tiếp đến đăng ký NVQS lần đầu là bắt buộc để cơ quan chức năng nắm được các thông tin về lý lịch, thể trạng sức khỏe của đối tượng đăng ký và cũng là yêu cầu để bản thân công dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nên dự thảo “không quy định gia đình được đăng ký NVQS lần đầu thay khi công dân đi làm xa như đề nghị của một số ĐBQH”.
Cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27
Độ tuổi gọi nhập ngũ là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm nên có nhiều loại ý kiến khác nhau. Một số nhất trí như dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27. Một số lại đề nghị giữ quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật NVQS hiện hành. Một số khác đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27.
Theo UBTVQH, việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện NVQS theo quy định của Hiến pháp. Do đó, quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên đại học vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện quyền, NVQS nhằm nâng cao chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
Đối với cán bộ, công chức có trình độ đại học cơ bản đã được thực hiện tạm hoãn trong thời gian đào tạo trình độ đại học, khi làm việc nếu còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ thì việc tạm hoãn nhập ngũ đã được thực hiện theo quy định tại Điều 42 dự thảo Luật. Vì vậy, UBTVQH thống nhất với Chính phủ về việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27.
ĐBQH cũng đề nghị cần quy định cơ cấu hợp lý đối với công dân gọi nhập ngũ nhằm nâng cao chất lượng quân thường trực và bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, theo UBTVQH, khoản 1 Điều 24 đã có quy định nhằm thu hút người có trình độ học vấn cao, cán bộ, công chức thực hiện NVQS tại ngũ. Việc quy định cơ cấu gọi thanh niên nhập ngũ ngay trong Luật là khó khả thi nên đề nghị Quốc hội không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật./.
Thùy Minh
* ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): “Qui định về tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những người học chính qui như dự thảo có thể bị lợi dụng nên phải qui định đảm bảo sự thống nhất chung với Luật giáo dục đại học, tránh chồng chéo, bảo đảm quyền học tập của công dân. Số lượng gọi nhập ngũ đối với sinh viên hàng năm rất thấp nên phải bổ sung qui định “tạm hoãn gọi nhập ngũ đói với các công dân đang học tập tại các trường giáo dục nghề nghiệp nhưng tốt nghiệp thì phải thực hiện NVQS” để đảm bảo sự công bằng. Đồng thời, qui định độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18-27 tuổi là phù hợp, tạo điều kiện cho các trường hợp tạm hoãn có thể thực hiện NVQS, không nên áp dụng riêng cho trường hợp sinh viên đại học chính qui được tạm hoãn như trong dự thảo Luật”
* ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên): thời hạn phục vụ của hạ sỹ quan trong quân đội nhân dân thời bình 24 tháng là phù hợp, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc giao quân, tránh tốn kém về thời gian và tiền bạc. Cũng cần qui định rõ, “công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo được tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng ra trường phải nhập ngũ ngay” vì nếu để họ đi làm, 2-3 năm sau mới gọi nhập ngũ thì sẽ gây khó khăn cho họ trong công việc”. |