Chấm dứt nhiêu khê, làm khổ dân trong tố tụng dân sự

15/06/2015
Thảo luận về dự án Bộ luật TTDS (sửa đổi) cả ngày hôm nay - 15/6, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) hy vọng, dự thảo sẽ cải thiện được tình trạng, thủ tục tố tụng dân sự (TTDS) “cực kỳ nhiêu khê” trong khi thiếu chế tài xử lý sự chậm chễ đã gây khó khăn cho đương sự, kéo dài thời gian giải quyết vụ án dân sự…

Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự

Qui định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chưa nhận được sự đồng thuận của ĐBQH. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, qua lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi), tuyệt đại đa số cơ quan, tổ chức, tỉnh, TP trực thuộc TƯ đều ủng hộ quan điểm “Tòa án (TA) không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự với lý do không có luật” vì phù hợp Hiến pháp về sứ mệnh, thẩm quyền tư pháp của TA.

Làm rõ thêm, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh, qui định như vậy vì “không có luật là việc của nhà nước” phải giành khó khăn về cho nhà nước chứ không phải giành khó khăn cho dân. Tuy nhiên, “chấp nhận qui định này thì không phải muốn kiện là kiện, mà TA vẫn dứt khoát từ chối những vụ việc lợi dụng quyền khởi kiện, quyền tự do, dân chủ hoặc có hành vi trái pháp luật” – Chánh án lưu ý.

Ủng hộ qui định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường còn cho rằng, qui định về phân công thẩm phán xét xử các vụ việc dân sự trong dự thảo vẫn “phụ thuộc ý chí chủ quan của Chánh án TA các cấp”. Ở các nước để đảm bảo công bằng, hàng năm, TA sẽ bốc thăm những vụ việc cho mỗi thẩm phán để đảm bảo khách quan, không thiên vị trong việc phân công thẩm phán.

Nhà nước sai lầm, sao bắt dân chịu phí?

Để hạn chế tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm như hiện nay, dự thảo BLTTDS qui định người đề nghị giám đốc thẩm phải chịu án phí giám đốc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có nhiều ý kiến không đồng tình, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) nhận thấy, quy định mới về án phí giám đốc thẩm như dự thảo là bất hợp lý, không bảo đảm được quyền của đương sự vì “không thể bắt công dân phải trả án phí cho việc xử sai của nhà nước”.

Còn ĐB Phạm Xuân Thường, Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng, qui định trên chưa phù hợp với thực tế vì mức án phí “không phải là gánh nặng của người dân để đến nỗi người dân không có tiền đề nghị tòa án xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm” – ĐB Phạm Xuân Thường chỉ rõ.

Xóa bỏ “đoạn trường” trong TTDS

Nhìn nhận “thi hành án lại là đoạn trường, nhất là nếu bản án tuyên vô lý hoặc bỏ sót, sai sót về kỹ thuật, không thi hành được”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị dự thảo phải qui định trách nhiệm của Tòa án và thẩm phán trong trường hợp này. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chỉ ra, việc giải thích bản án của Tòa án thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thi hành án nên đề nghị qui định rõ trách nhiệm của Tòa án và thẩm phán đối với bản án, quyết định của mình trong giai đoạn thi hành án.

Cùng với đó, một số ĐBQH đề nghị rút ngắn tất cả các thời hạn tố tụng bằng 50% như qui định trong dự thảo và qui định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau, ĐB Trần Du  Lịch (TP.HCM) đề nghị làm rõ và tuân thủ “nguyên tắc 2 cấp xét xử” trong TTDS, không biến những thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử, TANDTC thành cấp xét xử thứ 3 để hạn chế tối đa việc lợi dụng bản án có hiệu lực thi hành qua thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để vụ án kéo dài không có đường cùng, điểm dừng, làm ngưng chệ tất cả quyền lợi mới bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong TTDS bởi “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối, tố tụng chậm chễ là khuyến khích vi phạm” – ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý./.

Huy Anh