Tố tụng hành chính: Cho dân kiện “chéo” để tòa không ngại xử quan

05/06/2015
Chiều qua 4/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) với quan tâm về điều kiện để việc “dân kiện quan không phải là “con kiến kiện củ khoai”.

Chuyển án huyện lên tỉnh vì sợ tiếng “chỉ bảo vệ quan”?

Không nhiều ĐBQH đồng tình với đề xuất của dự thảo Luật chuyển khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện liên quan đến đất đai cho TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, có thể do thực tiễn “ít khi người dân thắng kiện, sợ chủ yếu bảo vệ quan” nên dự thảo Luật đề xuất như vậy nhưng chuyển án thuộc thẩm quyền của TAND huyện đưa lên tỉnh xử thì dân không được kiện tiếp vì nếu kiện phải đưa lên TƯ.

Lý giải nguyên do để chuyển án đất đai của huyện lên tỉnh xử, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, thông thường tòa án huyện thấy vụ nào mà UBND huyện đúng thì xử ngay, nhưng nếu sai thì tìm cách thỏa thuận vì ngại xử. ĐB Nguyễn Thành Bộ, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết “Nhiều nơi quan niệm Tòa án chỉ là một cấp phòng ban thuộc UBND huyện, nên khi Tòa triệu tập Chủ tịch UBND cùng cấp ra tòa là rất khó. Tôi theo dõi nhiều năm, chỉ có một Phó Chủ tịch dự tòa thôi, còn thường chỉ có người được ủy quyền dự tòa, khiến cho việc giải quyết án hành chính thường bị kéo dài”. 

Do vậy, theo nhiều ĐBQH, để giải quyết tình trạng Tòa huyện ngại xử quan huyện thì không phải là “dồn con đường tố tụng lên tỉnh” mà quan trọng là “tạo cơ chế cho thẩm phán độc lập xét xử, nguyên tắc này đã được ghi nhận từ lâu nhưng do “can thiệp này nọ” nên bị méo mó đi. Thẩm phán phải không ngại sức ép mới có bản án khách quan” – ĐB Đặng Thuần Phong đề nghị.

Bên cạnh đó, như phân tích của ĐB Trần Văn Độ (An Giang), các vụ án hành chính bị hủy nhiều không phải do năng lực mà do “dân kiện quan” vì “quan đó nhiều khi chức vụ cao hơn cả chánh án”, một số ĐBQH đề xuất chú trọng tăng cường năng lực cho Tòa huyện. “Nếu dồn lên mà sau này lại cho rằng Tòa tỉnh yếu không giải quyết hết được thì lại lên TƯ sao?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề.

Thậm chí, ĐBQH hiến kế “giao thẩm quyền chéo nghĩa là công dân huyện này có quyền khởi kiện ở Tòa huyện khác, của tỉnh này sang tỉnh khác để khách quan hơn”. Cho phép công dân có quyền khởi kiện tòa án cùng cấp như vậy đã được nhiều nước áp dụng.

Phải xử cả hành vi hành chính dưới dạng không hành động

Quan tâm đến những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, nhiều ĐBQH tán thành giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của TAND. Tuy nhiên, trong khi một số ý kiến tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án (quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc) ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật thì một số ĐBQH khác lại đề nghị giữ vì cho rằng, loại các quyết định này sẽ gây thiệt thòi cho người bị áp dụng vì mất quyền khiếu kiện của đối tượng.

Hơn nữa, theo ĐBQH, không phải lúc nào quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc cũng chính xác với đối tượng. Có trường hợp, công an xác minh đối tượng không có nơi cư trú ổn định nhưng khi  ra Tòa, đối tượng cãi là có địa chỉ ổn định. Nếu như vậy thì quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc của Tòa đối với họ là không đúng vì họ thuộc diện đưa về cai nghiện tại cộng đồng. Do vậy, nếu bỏ quyết định này khỏi đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là những người yếu thế.

Trong số những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND theo dự thảo Luật, nhiều ĐBQH nhận thấy còn “sót” những hành vi hành chính dưới dạng không hành động hay văn bản hành chính không phải là quyết định hành chính nhưng có giá trị như quyết định hành chính. ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) lo ngại, những hành vi hành chính dưới dạng không hành động như “ngâm hồ sơ khiếu nại” hay những văn bản “trá hình” của quyết định hành chính sẽ không được Tòa thụ lý nếu bị khởi kiện dù các hành vi hay văn bản này cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền công dân như các hành vi, quyết định hành chính được dự thảo đề cập./.

H.Giang