Tên quá dài: khó khăn trong cuộc sống
Về vấn đề đặt tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có), Chính phủ cho biết có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ và họ, tên của một người không được vượt quá số lượng chữ cái nhất định, vì các lý do như việc đặt họ, tên, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này. Thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam mà cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải đăng ký vì không có cơ sở pháp lý để từ chối; Bên cạnh đó, để bảo đảm tính đồng bộ với quy định có liên quan của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo đó người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam hoặc phải lấy lại tên gọi Việt Nam.
Chính phủ thấy rằng, ý kiến nêu trên là hợp lý, cũng là phù hợp với ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch, nên đã chỉ đạo bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo Bộ luật. Trong đó, một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”.
ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) dẫn chứng, nếu việc đặt tên dài quá 25 ký tự sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, dự thảo quy định hạn chế họ, tên của một người không dài quá 25 kí tự là phù hợp bởi vì trong thực tế khi làm bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu sẽ khó khăn nếu phải thể hiện một cái tên quá dài.
Tuy nhiên, có ĐBQH không đồng tình với quy định hạn chế đặt tên nói trên, vì việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. ĐB đề nghị, dù không hạn chế trong BLDS nhưng khi đăng ký hộ tịch cán bộ cần giải thích cho dân hiểu việc đặt tên dài sẽ khó khăn cho nhà nước trong công tác quản lý và đặc biệt là cho công dân trong cuộc sống hàng ngày.
Chuyển đổi giới tính: ”Không nên né tránh”
Về việc chuyển đổi giới tính, báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, với vị trí, vai trò là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật dân sự thì Bộ luật dân sự cần có quy định về việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính khi cần thiết. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay và để tránh những hệ lụy tiêu cực về nhiều mặt đối với chính bản thân người chuyển đổi giới tính và xã hội thì Nhà nước không nên thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Theo dự thảo mới nhất Chính phủ trình Quốc hội thì “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định...”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, chuyển giới đang là một thực tế dù luật không cho phép. Vì thế, BLDS không nên né tránh câu chuyện này, nên bàn đến việc chuyển giới và điều kiện cho phép thực hiện giống như quy định về mang thai hộ trước đây. Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) mong muốn, việc không thừa nhận chuyển đổi giới tính sẽ “gây phức tạp trong xã hội”. Một số ĐB khác cho rằng, đã không thừa nhận thì không nên cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Nếu quy định như dự luật sẽ tạo nên sự mâu thuẫn.
Thu Hằng