Một số hạn chế của quy định pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và bài học kinh nghiệm

05/10/2015
 

“Thị trường trong nước to, nhưng cũng giống như cái áo đã chật, nếu muốn tiếp tục phát triển, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư ra nước ngoài”. Đó là câu nói của Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Thiếu tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội) – một trong những tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài rất thành công.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có sự phát triển cao. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này hầu như còn mang tính tự phát của doanh nghiệp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: Số lượng và quy mô các dự án còn nhỏ so với các nước có điều kiện tương tự, nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn mà thiếu có sự hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền. Ngoài nguyên nhân năng lực tài chính của bản thân doanh nghiệp có hạn thì còn nguyên nhân quan trọng nhất tác động toàn diện đến chiến lược, thể chế chính sách, thủ tục hành chính đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài: đó là các cấp quản lý nhà nước có thẩm quyền, xã hội chưa coi trọng vai trò của đầu tư ra nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện trong nước còn thiếu nguồn lực tài chính, phải tăng cường kêu gọi vốn FDI để tham gia  xây dựng đất nước. Hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh hiện nay chủ yếu là vì chính lợi ích của doanh nghiệp đầu tư hơn là lợi ích quốc gia. Tất cả những điều này đã khiến cho việc xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện quy định pháp luật hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua không mang tính cấp thiết và cấp bách và diễn ra chậm. Do vậy, cần phải xem đầu tư ra nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế. Vì hoạt động này giúp bổ sung nguồn tài nguyên, hàng hóa, ngoại tệ… cho nền kinh tế trong nước và còn giúp nước ta thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi ở tầm vĩ mô Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển đầu tư ra nước ngoài; có chính sách hỗ trợ; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài để kịp thời nắm bắt tình hình, giúp doanh nghiệp nắm bắt các thời cơ và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi hoạt động ở nước ngoài. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được đề cập đến một số bất cập của quy định pháp luật hiện hành về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, từ đó đề xuất một số kiến nghị cũng như nêu lên một kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

1.Một số bất cập và hướng hoàn thiện

1.1. Về chủ thể cho phép đầu tư ra nước ngoài

Nếu như hoạt động thu hút đầu tư FDI vào nước ta có 4 nơi có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố và Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, khu công nghệ cao) thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài dù dự án có quy mô nhỏ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi duy nhất cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Việc này khiến các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung và phía Nam tốn kém thời gian và tiền bạc để có được giấy phép đầu tư. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ra nước ngoài chúng ta nên quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án đầu tư không cần có sự chấp thuận đầu tư của Thủ tướng. Đối với những dự án đầu tư phải có sự chấp thuận đầu tư của Thủ tướng thì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

1.2. Về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư ra nước ngoài

Đối với nước ta, đầu tư ra nước ngoài không chỉ góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới mà còn giúp nền kinh tế Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Và hiện nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao. Số vốn trong nước được chuyển ra khỏi Việt Nam để thực hiện các dự án ở nước ngoài cũng ngày càng tăng. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ[1]. Từ đó cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đã được chú trọng và ngày càng được đẩy mạnh. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn gặp phải một số hạn chế sau:

 Thứ nhất, hiện nay pháp luật nước ta chưa có quy định về đầu tư gián tiếp (ĐTGT) ra nước ngoài[2]. Trong khi đó hoạt động ĐTGT ra nước ngoài của nhà đầu tư (NĐT) Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện (chẳng hạn như thị trường tài chính, chứng khoán). Chính từ việc không quy định này là lý do lớn nhất cản trở đối với việc triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài của NĐT trong nước và nó đang đòi hỏi Việt Nam phải sớm có quy định điều chỉnh hoạt động ĐTGT. Bên cạnh đó, nếu để“khoảng trống” pháp lý càng kéo dài, càng tạo điều kiện cho việc xuất hiện những trường hợp lách luật. Khi đó, vừa không quản lý được hoạt động ĐTGT ra nước ngoài, vừa có nguy cơ gây ra những hạn chế không mong muốn khác đối với hoạt động này, nhất là về hoạt động quản lý ngoại hối. Theo cam kết hội nhập, mở cửa thị trường tài chính, mà trước mắt là với khu vực ASEAN, sớm hay muộn Việt Nam sẽ phải có những định hướng, biện pháp quản lý dòng vốn ĐTGT ra nước ngoài. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể vẫn còn đang cân nhắc, thận trọng trên cơ sở lộ trình mở cửa thị trường tiền tệ, thị trường tài chính theo cam kết khu vực và quốc tế, cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, để đáp ứng tình hình thực tiễn, cũng như nhu cầu ĐTGT ra nước ngoài của một bộ phận NĐT, Việt Nam nên có những quy định cụ thể về ĐTGT để đem lại một số lợi ích nhất định không những cho Nhà nước mà cho cả NĐT.

Thứ hai, một số doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn mà thiếu sự hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền. Có thể nói, hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một hoạt động đầu tư đầy mạo hiểm và mang tính rủi ro cao. Thực tế hiện nay thì sự hỗ trợ còn rất là hạn chế. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các NĐT Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết. Và nhất là đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ đầu tư cũng cần có trách nhiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư ra nước ngoài, phải bảo đảm đầu tư hiệu quả, minh bạch, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước.

Thứ ba, cơ chế và chính sách về đầu tư ra nước ngoài chưa thu hút NĐT Việt Nam thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài. Hiện nay, chính sách về đầu tư cho NĐT ở nước ta chưa tạo được“động lực” để NĐT có thể đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay là nhanh nhưng nó vẫn chưa được gọi là lớn mạnh và có sức cạnh tranh so với các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, chẳng hạn: miễn, giảm các loại thuế; lập quỹ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài để cho vay vốn thực hiện những dự án có tầm ảnh hưởng lớn đối với nước tiếp nhận vốn, những dự án có tính khả thi cao, những dự án khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước; tăng cường ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước, để đảm bảo các NĐT ra nước ngoài không bị nộp thuế trùng. Mục đích ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng cách: i) miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định; hoặc ii) khấu trừ thuế mà đối tượng cư trú Việt nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định còn tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế các nước khác trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản tôn vinh, khuyến khích các NĐT Việt Nam thành đạt ở nước ngoài,…Đây không những là chính sách khuyến khích đầu tư mà nó còn góp phần giảm thiểu chi phí cho các dự án đầu tư ra nước ngoài.

1.3. Về quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Thứ nhất, là vấn đề trong thực tin áp dụng đối với cơ chế giám sát các hoạt động đầu tư nước ngoài chưa được sâu sát, đó là: 

Hiện nay nhiều dự án sau khi có doanh thu, lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn, nhưng chủ đầu tư không báo cáo, chưa chuyển tiền về nước hoặc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, có dự án thậm chí đã chấm dứt hoạt động, nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam cũng không biết. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng không ít cơ quan chức năng Việt Nam e ngại khâu thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ra nước ngoài. Do vậy cần phải được chấn chỉnh ngay theo hướng xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy, hoạt động kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư hiện tại chưa được quản lý chặt chẽ. Điều này làm cơ chế cho giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cũng như khuyến khích các NĐT chuyển lợi nhuận về nước. Hơn nữa, các giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư phải được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[3]. Đây là hạn chế của quy định pháp luật. Đó là, khi doanh nghiệp kinh doanh có lời lại không chuyển khoản lợi nhuận đó về nước mà dùng khoản lợi nhuận đó tiếp tục đầu tư sang một nước khác. Nếu quy định như trên thì việc đầu tư sang một nước thứ ba đó thực hiện như thế nào? Dùng khoản lợi nhuận đó chuyển về nước thông qua một tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối theo quy định, rồi sau đó lại chuyển sang nước thứ ba để đầu tư dự án mới hay có thể trực tiếp chuyển từ nước đang đầu tư sang một nước thứ ba. Vấn đề này vẫn chưa được điều chỉnh. Một vấn đề nữa, doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài có quyền chuyển lỗ về nước không? Đây cũng là bất cập cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, vì theo quy định số lỗ phát sinh từ dự án đầu tư ở nước ngoài không được trừ vào số thu nhập phát sinh của doanh nghiệp trong nước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. (Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 104/2011/TT-BTC ngày 12/7/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2010/TT-BTC ngày 19/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước)

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài chưa có sự liên kết với nhau để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Không những thế mà các NĐT Việt Nam còn cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể:

-Năng lực cạnh tranh yếu: Trừ một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực VN… đa số các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có tiềm năng khiêm tốn: vốn ít, khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ có hạn, khả năng kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế bị hạn chế, thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chưa có… nên gặp khó khăn trong cạnh tranh với các nhà đầu tư đến từ các nước khác trong giành thầu, thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác ở nước tiếp nhận vốn đầu tư.

-Triển khai dự án chậm: Ngoài khó khăn về thủ tục hành chính thì việc triển khai dự án đầu tư chậm còn có nguyên nhân là do chủ đầu tư thiếu vốn, tìm hiểu môi trường đầu tư không kỹ, nên sau khi được cấp giấy phép nhiều khó khăn mới phát sinh làm chậm tiến trình triển khai dự án.

-Các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập doanh nghiệp hoặc lập chi nhánh còn quá ít, điều này khiến các nhà đầu tư ra nước ngoài của VN trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án, ngoài ra việc ngân hàng VN đầu tư ra nước ngoài ít cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thanh toán thương mại quốc tế của VN.

-Các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài thiếu tính liên kết với nhau: Khi đầu tư vào VN các nhà đầu tư nước ngoài liên kết, giúp đỡ nhau thông qua thành lập hiệp hội các doanh nhân: Hiệp hội các doanh nhân Nhật, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc…Trong khi đó các nhà đầu tư của VN hoạt động mang tính riêng lẻ, manh mún, không những không liên kết với nhau mà còn cạnh tranh không lành mạnh, chụp giựt, gây khó khăn cho nước bạn. Do vậy, tại một số quốc gia như Lào, Trung Quốc ban hành quy định riêng đối với các doanh nghiệp VN muốn đầu tư vào nước họ, nhà đầu tư phải có giấy giới thiệu của các cơ quan quản lý nhà nước của VN.

Do đó, để hoạt động đầu tư mang lại kết quả như mong muốn thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên thành lập Hiệp hội đầu tư ở nước ngoài để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết.

2. Kinh nghiệm một số nước và bài học cho Việt Nam[4]

Tìm hiểu những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của một số nước trên thế giới sẽ gợi mở để Việt Nam hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới. Sau đây là những kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

2.1. Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Hiện tại, Nhật Bản đã tự do hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nước này thực hiện chính sách mở cửa đầu tư ra nước ngoài theo lộ trình chắc chắn và có tính toán. Việc tự do hóa đầu tư ra nước ngoài chỉ thực hiện khi nền kinh tế và các DN Nhật Bản có tiềm lực tài chính mạnh, quy mô sản xuất tốt và cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài để tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong nước. Thực tế cho thấy, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản tăng tỷ lệ thuận so với dự trữ ngoại tệ của nước này. Năm 2008, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vượt qua con số 130 tỷ USD. Ở thời điểm đó, dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản cũng vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Thứ nhất, xuất phát từ điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện tại có những điểm giống Nhật Bản vào những năm 1970, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu trực tiếp, giá trị nhập siêu cao, cán cân thanh toán quốc tế chưa được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ ít, chính sách về tiền tệ tuy đã được nới rộng hơn nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ bởi Chính phủ. Do vậy, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới vẫn cần phải được kiểm soát để có thể điều tiết dòng tiền ra vào hợp lý, bảo đảm cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng do ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên Việt Nam cần phải chủ động mở cửa đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phù hợp với lộ trình phát triển của mình, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước.

Thứ hai, Mục tiêu chính trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản là tận dụng tất cả các cơ hội tốt nhất để mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả xuất khẩu từ trong nước ra, xuất khẩu tại chỗ và xuất khẩu sang nước thứ ba) của các DN Nhật Bản. Do vậy, các DN Nhật Bản có chiến lược đầu tư theo từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tác rất cụ thể và rõ ràng. Sự hỗ trợ của Chính phủ và chiến lược tiếp cận đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản đều xoay quanh mục tiêu đó. Đây là kinh nghiệm hay cho các cơ quan hoạch định chính sách và các DN của Việt Nam trong việc định hướng chiến lược ưu tiên đầu tư ra nước ngoài.

Thứ ba, Nhật Bản cũng lo ngại đầu tư ra nước ngoài làm rỗng nền kinh tế và làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp trong nước. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản đã sớm có chính sách khuyến khích các DN Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài sử dụng lao động quản lý là người Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản có chính sách phân khúc thị trường thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tập trung sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao và có chính sách đào tạo cho người lao động trong nước để phát triển những ngành công nghệ mới, sản xuất những sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này của Nhật Bản để có chính sách phù hợp giữa phát triển kinh tế trong nước kết hợp với thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, Đã có cả thời kỳ dài, Nhật Bản dùng chính sách đồng tiền yếu để thúc đẩy xuất khẩu, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ. Khi có đủ lực và đồng Yên mạnh lên so với USD và một số đồng tiền mạnh khác trên thế giới, Nhật Bản mới thúc đẩy đầu tư ra bên ngoài để mở rộng quy mô hoạt động của DN và duy trì khả năng xuất khẩu cao. Điều này cho thấy, Chính phủ Nhật Bản đã thành công trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để điều tiết sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đạt hiệu quả nhất. Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm thúc đẩy xuất khẩu, tăng nguồn dự trữ ngoại tệ, đến khi đồng Việt Nam mạnh hơn so với một số đồng của một số nước khác, và sẽ tập trung đầu tư ra nước mà có đồng tiền yếu hơn Việt Nam.

Thứ năm, Nhật Bản cũng đã hình thành được hệ thống công cụ hỗ trợ các NĐT ra nước ngoài rất hiệu quả gồm: xúc tiến tìm kiếm trị trường (thông qua Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO); hỗ trợ tài chính để triển khai các dự án đầu tư (thông qua hoạt động của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JBIC); hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nước tiếp nhận đầu tư (thông qua nguồn viện trợ nước ngoài ODA của Chính phủ Nhật Bản) và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của NĐT thông qua quan hệ cấp chính phủ và các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với các quốc gia trên khắp thế giới. Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm này.

2.2. Kinh nghiệm Hàn Quốc

Theo Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc, tính đến hết năm 2008, Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài 43.238 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài đạt khoảng 116 tỷ USD; trong đó, năm 2006 đạt trên 10 tỷ USD, 2 năm 2007 và 2008 đều vượt qua ngưỡng 20 tỷ USD mỗi năm.

Tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện chính sách mở cửa đầu tư ra nước ngoài theo lộ trình và chỉ thực hiện chính sách tự do hóa đầu tư ra nước ngoài khi nền kinh tế đã có thặng dư về cán cân thanh toán, có dự trữ ngoại tệ cao, tiềm lực của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp Hàn Quốc đã đủ mạnh và có nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài. Hiện tại, Hàn Quốc đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ cấp phép đầu tư ra nước ngoài.

Thứ nhất, Điều kiện của Việt Nam hiện nay cũng có nhiều điểm giống với Hàn Quốc trước những năm 1980. Thời điểm đó, Hàn Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài và áp dụng chế độ cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Do đó Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này từ Hàn Quốc.

Thứ hai, hiện tại Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tối đa các can thiệp hành chính vào công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, một số chức năng quản lý nhà nước được ủy thác thông qua các tổ chức trung gian như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Ngân hàng này được giao chức năng tổng hợp, theo dõi báo cáo các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc về hoạt động của các dự án đầu tư tại nước ngoài. Chính sách về đầu tư ra nước ngoài chủ yếu mang tính định hướng và hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo để hạn chế các can thiệp hành chính vào công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài.

Như vậy, có thể khẳng định những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài qua các thời kỳ của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là gợi mở để Việt Nam căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới. Có thể khẳng định rằng đầu tư ra nước ngoài là một hoạt động có vai trò và tầm quan trọng không kém trong xã hội hiện nay. Bên cạnh giúp củng cố vai trò chính trị và địa vị kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế của Việt Nam, thông qua hoạt đng đầu tư này giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn.

Bên cạnh, sau khi tìm hiểu các quy định của pháp luật về chủ thể, trình tự thủ tục cấp phép,kiểm tra giám sát, nội dung quản lý của Nhà nước và thực trạng ta có thể thấy được những mặt hạn chế của các quy định. Từ đó, người viết xin đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật. Song song đó, trong thời gian tới Nhà nước nên mở rộng xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ chế và bộ máy quản lý nhằm để hoạt động đầu tư ra nước ngoài thật sự mang lại hiệu quả mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

 

Th.S Lê Văn Sua



[1]Phạm Hằng, Đẩy mạnh hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước chrome://newtabhttp//www.baomoi.com/Home/KinhTe/www.cpv.org.vn/Day-manh-hoat-dong-dau-tu-truc-tiep-ra-nuoc-ngoai/7946797.epi

[2] Đầu tư gián tiếp nước ngoài (thường được viết tắt là FPI | Foreign Portfolio Investment) là hình thức đầu tư gián tiếp xuyên biên giới. Nó chỉ các hoạt động mua tài sản tài chính nước ngoài nhằm kiếm lời. Hình thức đầu tư này không kèm theo việc tham gia vào các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của doanh nghiệp giống như trong hình thức Đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 [3] Điều 24 Nghị định 78/2006/NĐ-CP

[4] Vũ Văn Chung, Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, bài học với Việt Nam”, http://www.stockbiz.vn/News/2012/5/11/295802/quan-ly-von-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-bai-hoc-voi-viet-nam.aspx, .