Đối tượng không được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước – bất cập và kiến nghị

01/10/2015
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Và cũng theo khoản 2 Điều 65 của Luật này, các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 (viết tắt Luật TNBTCNN) có hiệu lực:

a) Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành cho đến nay, quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần trong các trường hợp do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án gây ra trái pháp luật, nhìn chung được các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết kịp thời, công khai, đúng pháp luật tạo được niềm tin của người dân đối với chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của Luật TNBTCNN, nhất là quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng vẫn còn là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi do những quy định này còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần trong các trường hợp do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án bị vi phạm, thậm chí nhiều trường hợp đương sự phải mất nhiều thời gian theo đuổi vụ kiện, tốn kém nhiều chi phí đi lại không cần thiết và quan trọng hơn là niềm tin vào công lý của nhóm đối tượng này rõ ràng bị suy giảm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số quy định tại Điều 26, Điều 27 Luật TNBTCNN mà thực tiễn áp dụng còn phát sinh bất cập, cụ thể:

Thứ nhất: Điều 26 Luật TNBTCNN có quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, như sau:

“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;

6. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;

7. Tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại do việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý có liên quan đến các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì được bồi thường.”

Nghiên cứu các đối tượng thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng vừa nêu, từ thực tiễn áp dụng người viết thấy rằng còn có đối tượng mà quá trình tiến hành tố tụng họ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về một tội phạm nào đó, sau khi xét xử sơ thẩm họ có đơn kháng cáo kêu oan. Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm đó, giao lại hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Khi hết hạn điều tra theo luật định, Cơ quan cảnh sát điều tra đã không thể chứng minh được hành vi phạm tội, công cụ, phương tiện, hậu quả do tội phạm gây ra,...nên buộc phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra bị can với lý do “hành vi phạm tội của bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Đây là thực tế đang tồn tại hiện nay. Rõ ràng ranh giới giữa hành vi không cấu thành về một tội phạm cụ thể quy định trong BLHS với khái niệm hành vi phạm tội của bị can không còn nguy hiểm nữa cho xã hội hoàn toàn khác nhau về bản chất, nên không thể đánh đồng khái niệm và dứt khoát không được nhầm lẫn hay tùy tiện trong áp dụng. Vậy với trường hợp mà lẽ ra lý do đình chỉ điều tra là hành vi mà họ thực hiện không cấu thành tội phạm, thì được liệt vào dạng miễn trách nhiệm hình sự (viết tắc TNHS) do hành vi phạm tội của bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì có là đối tượng thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN không? Nếu căn cứ vào đối tượng được liệt kê và mô tả trong các quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN thì rõ ràng trường hợp vừa nêu không thuộc đối tượng trong phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Nhưng tại sao nhà làm luật lại không liệt kê trường hợp này vào quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN? Đây là câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu để tìm lời giải đáp thỏa đáng, nhưng từ thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN trong hơn 06 năm qua cho thấy, đây chính là kẽ hở của pháp luật, mà từ kẽ hở này cơ quan tiến hành tố tụng vụ án đó (tùy từng giai đoạn) có thể sẽ lợi dụng để “đùn đầy” trách nhiệm cho nhau khi sự thật oan sai đã rõ! Việc cơ quan cảnh sát điều tra chỉ nêu lý do rất chung chung hành vi phạm tội của bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, mà không thừa nhận việc oan sai dễ gây ra sự phẩn uất cho người dân không may vướng vào vòng tố tụng. Dưới đây là một trường hợp cụ thể: Năm 2011, ông Nguyễn Văn Định (SN 1973) cư trú tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, bị công an huyện bắt tạm giam về tội không chấp hành bản án. Sau gần 04 tháng bị tạm giữ, tạm giam, TAND huyện xử phạt ông Định 09 tháng tù giam. Ngày 31/5/2012 TAND tỉnh Tiền Giang xét xử vụ án theo đơn kháng cáo của ông Định theo trình tự phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có những sai sót không thể khắc phục được, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Ngày 29/3/2013 Cơ quan cảnh sát Điều tra – Công an huyện Chợ Gạo ban hành 02 quyết định, gồm: Quyết định đình chỉ điều tra vụ án và Quyết định đình chỉ điều tra bị can, với lý do: “Hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Định không còn nguy hiểm cho xã hội”[1]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắc BLTTHS) Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:

“a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2[2] Điều 105 và Điều 107[3] của Bộ luật này hoặc tại Điều 19[4], Điều 25[5] và khoản 2[6] Điều 69 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.”

Nhưng thực tế cho thấy, tuy pháp luật quy định là thế nhưng hầu như bao giờ Cơ quan cảnh sát Điều tra cũng vận dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 164 BLTTHS, mà rất ít không vận dụng điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS để làm căn cứ ra quyết định đình chỉ vụ án. Bởi vì vận dụng Điều 25 BLHS làm căn cứ ra quyết định đình chỉ vụ án sẽ có lợi hơn cho cơ quan tiến hành tố tụng vụ án đó, nhất là cơ quan điều tra và cũng từ đó họ sẽ dễ dàng hơn để giải thích rằng cơ quan tiến hành tố tụng không làm oan người không có tội.

Vấn đề là ở chỗ, nếu vận dụng Điều 25 BLHS sự thiệt thòi sẽ thuộc về người không may bị vướng vào vòng tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo trong vụ án. Nghĩa là họ sẽ không được bồi thường thiệt hại do bị oan, theo quy định của Luật TNBTCNN. Điều 25 BLHS hiện hành quy định những trường hợp người phạm tội được miễn TNHS, mà đã là miễn truy cứu TNHS thì coi như có tội và không thuộc đối tượng phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng. Đây rõ ràng là một bất cập lớn, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN. Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN thời gian tới, trường hợp người bị khởi tố, truy tố, xét xử về một tội phạm mà bị tạm giữ, tạm giam sau khi có quyết định đình chỉ vụ án; quyết định đình chỉ điều tra hoặc có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội là đối tượng thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng, theo quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN hiện hành.

Thứ hai: Điều 27 Luật TNBTCNN có quy định các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, như sau:

“1. Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm.

3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc Toà án quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đã bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 26 của Luật này.

4. Người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm.

5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử là đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Xoay quanh quy định này, người viết có ý kiến muốn trao đổi đối với trường hợp người được miễn TNHS theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 27). Đây là trường hợp mà trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng thường vận dụng để “né tránh” trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN như phân tích có đề cập. Việc “né tránh” này phải chăng do pháp luật quy định thiếu chặt chẽ hay do nhận thức về nội dung quy định này chưa được thống nhất, bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành hướng dẫn cụ thể hoặc vì một lý do nào khác?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS, trường hợp người được miễn TNHS: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.”

Miễn TNHS là chế định quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam, nó thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta. Miễn TNHS là không buộc một người phải chịu TNHS về tội phạm mà người đó đã thực hiện. Miễn TNHS cũng khác với miễn hình phạt ở chỗ, trong trường hợp được miễn TNHS, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị kết tội, không phải chịu hình phạt và không phải mang án tích. Áp dụng chế định này đối với người phạm tội khi có các điều kiện luật định tạo cho họ khả năng và điều kiện tự cải tạo, giáo dục đồng thời động viên, lôi  kéo quần chúng nhân dân tham gia vào công việc giáo dục, quản lý người phạm tội. Miễn TNHS hoàn toàn khác với trường hợp không có TNHS. Người được miễn TNHS tức là người đã phạm một tội được quy định trong BLHS. Còn người không có TNHS là người mà hành vi của họ không có sự sai trái hoặc hành vi của họ tuy có đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhưng mức độ nguy hiểm không lớn nên không coi là tội phạm mà chỉ đáng xử lý về hành chính[7]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chỉ đề cập đến quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS vừa trích dẫn trên. Với quy định này, có mấy nội dung cần đặc biệt lưu ý sau:

Một là, phải nêu lên được bằng chứng thật sự thuyết phục để chứng minh rằng sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tình tiết này được hiểu là tội phạm đã được thực hiện trong một điều kiện, hoàn cảnh khác so với điều kiện, hoàn cảnh vào thời điểm điều tra, truy tố, xét xử. Chính sự thay đổi đó đã làm cho hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.

Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó phải cần xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu TNHS đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa, sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biến của nhiều mặt đời sống xã hội, như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật,…Tuy nhiên, khi xem xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì phải xem xét hành vi phạm tội có xâm phạm đến quan hệ xã hội nào và quan hệ xã hội đó có chuyển biến làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa không? Ở đây, sự chuyển biến của tình hình đã là nguyên nhân làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa. Ví dụ, trước đây nếu ai tàng trữ, mua bán vàng, bạc dù đó là vàng, bạc thuộc sở hữu của mình đều bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ, mua bán hàng cấm, nhưng từ khi Nhà nước có chủ trương cho phép tư nhân được kinh doanh vàng, bạc thì không bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ, mua bán hàng cấm nữa. Do vậy, nếu người có hành vi mua bán vàng, bạc trước khi Nhà nước có chủ trương cho mua, bán mới bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thì tùy vào giai đoạn tố tụng quyết định miễn truy cứu TNHS cho người phạm tội. Xin nêu một trường hợp đã từng xảy ra như sau: Phan Thị Kim Phụng ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Có xuống tận xã Trường Xuân, nhìn cái sạp ván lợp một nửa mái lá chông chênh trên đồng nước mênh mông mới thấu được nỗi oan của Phụng. Tỉnh qui hoạch khu chợ Trường Xuân, gia đình Phụng nhận được thông báo sẽ bị thu hồi 5.000m2 đất với số tiền bồi thường hơn 30 triệu. Không đồng ý với giá bồi thường, Phụng và cha làm đơn khiếu nại. Đơn chưa được giải quyết thì đoàn đo đạc, thu hồi đã đến cắm cọc, căng dây và căng lấn qua cả ranh giới 5.000m2. Quá bức xúc, Phụng và chị gái ra nhổ cọc, cuốn dây. Chỉ có thế, hai chị em bị bắt giam và khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”. Phiên tòa xét xử lưu động đã làm xôn xao cả xã Trường Xuân, Phụng bị kết án 12 tháng tù giam. Tòa phúc thẩm đã bác toàn bộ án sơ thẩm và yêu cầu điều tra, xét xử lại. Nhưng phải đến ba năm sau Công an huyện Tháp Mười mới ký quyết định đình chỉ điều tra với lý do “do biến chuyển của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Chị Phụng cứ thao thao với người đối diện về ranh giới đất, quá trình khiếu nại từ huyện lên tỉnh, về những bức xúc mà gia đình cô đang phải gánh chịu. Chúng tôi không biết con đường kêu oan của chị Phụng và của nhiều người khác sẽ có kết quả như thế nào, nhưng những khắc khoải chờ đợi, nản lòng, mệt mỏi thì có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được. Con đường họ đã đi để tìm được sự minh oan, lời xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng thật nhọc nhằn, và vẫn còn nhọc nhằn khi phải ra tòa đòi bồi thường. Phía sau họ, còn bao nhiêu người nữa...[8]

Căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải được thể hiện bằng hình thức văn bản, như: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ và trong nhiều trường hợp có thể là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nếu các quyết định này không trái với Hiến pháp và pháp luật nói chung. Nếu sự chuyển biến của tình hình và tình hình đó tuy có liên quan đến tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng chưa được Nhà nước quy định thì người có hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu TNHS như các trường hợp khác.

Hai là, phải chứng minh được do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải được hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì nay vẫn như vậy nhưng do tình hình thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ví dụ, tương quan lực lượng giữa ta và địch trên cục diện chiến trường đã có sự thay đổi lớn, yêu cầu bức bách cần lực lượng phục vụ trong chiến đấu, nên cấp có thẩm quyền huy động cả những người có hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý vào các đơn vị làm nhiệm vụ tải đạn, hàng hóa, thương binh, tử sĩ. Do tình hình này mà người phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nên họ được các cơ quan tiến hành tố tụng miễn truy cứu TNHS để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp bách, phục vụ chiến đấu trên một mặt trận, trong một chiến trường cụ thể và tình hình đã có sự thay đổi, nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Cũng được coi là là do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn truy cứu TNHS để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.

Do sự chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, về lý luận cũng như thực tiễn tuy có một số trường hợp khó xác định nhưng không khó bằng trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn truy cứu TNHS cho người phạm tội.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn truy cứu TNHS cho họ, như vậy theo ý kiến này thì tình hình chuyển biến ở đây lại chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải là tình hình của xã hội chuyển biến. Ví dụ, thủ quỹ của bệnh viện A phạm tội tham ô tài sản của nhà nước nhưng trong quá trình điều tra vụ án, cán bộ này đã dũng cảm xả thân nhảy xuống dòng sông đang chảy xiết cứu sống hai cháu nhỏ sắp bị đuối nước do chiếc đò bị lật. Theo quan điểm của người viết, ý kiến này rõ ràng đã không có sự phân biệt tình tiết loại trừ TNHS với các tình tiết giảm nhẹ TNHS, đồng nhất giữa yếu tố khách quan với yếu tố chủ quan. Chính do không nắm chắc yếu tố này nên trong thực tiễn có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn TNHS cho họ. Xin nêu một trường hợp: Anh Huỳnh Tấn Tài ở Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em dù không có chứng cứ. Sau đó, Công an tỉnh không chứng minh được tội phạm nên phải đình chỉ điều tra. Thay vì quyết định đình chỉ phải ghi rõ là anh Tài không phạm tội thì cơ quan điều tra lại lập lờ rằng: “Xét thấy hành vi của Huỳnh Tấn Tài không còn nguy hiểm cho xã hội”…Quyết định này đã làm nhiều người ngạc nhiên bởi xưa nay, hành vi hiếp dâm trẻ em luôn được xếp vào loại tội phạm nghiêm trọng và pháp luật hình sự phải nghiêm trị, tức luôn nguy hiểm cho xã hội. Phải chăng để né tránh trách nhiệm bồi thường oan mà có lý do này? Tuy nhiên, rất may cho anh Tài là vừa qua Viện kiểm sát nhân tỉnh Tiền Giang đã chủ động đến tận nhà xin lỗi và hứa sẽ bồi thường oan. Đây là hành động dũng cảm, thẳng thắn của VKS tỉnh khi nhận ra sai sót. Mong rằng ngoại lệ hiếm hoi này sẽ được nhân rộng để những người bị thiệt thòi từ việc làm sai của cơ quan tố tụng không phải mòn mỏi chờ đợi công lý trong vô vọng.[9]

Tại một hội nghị mới đây, một thẩm phán TAND tối cao cũng thừa nhận việc xác định oan hay không hiện còn quá nhiêu khê.  Rất nhiều vụ cơ quan chức năng không thể kết tội được nên phải đình chỉ điều tra với lý do “luật” như “hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”, nhờ thế mà “thoát” việc bồi thường oan. Từ những nhiêu khê, khổ sở của người có yêu cầu xác định mình bị oan, vấn đề đặt ra là việc luật quy định cơ quan làm oan là cơ quan đứng ra xác nhận oan cho “nạn nhân” liệu có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Nếu họ không có tiêu chí giải quyết, nếu họ cứ cương quyết “lắc đầu” thì đương sự phải làm sao? Xuất phát từ thực tiễn trên người viết đề xuất, trước hết cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể việc các cơ quan tố tụng phải trả lời rõ khi nhận được khiếu nại oan của đương sự là vụ này oan hay không, vì sao… Nếu không đồng ý với việc trả lời này, người khiếu nại có thể khởi kiện. Từ đó toà sẽ làm rõ các nội dung, các yêu cầu của người khởi kiện.

Tóm lại, để cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS làm căn cứ trong trường hợp đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can thì nhất thiết phải chứng minh thật đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như tính thuyết phục về mặt lý lẽ nêu ra, chứ không thể tùy tiện vận dụng mà thiếu những cơ sở pháp lý vững chắc hoặc lập luận thiếu tính xác đáng là điều cần nên tránh.

Trên đây là một số nội dung còn bất cập từ thực tiễn áp dụng quy định của Luật TNBTCNN và những kiến nghị nhằm hoàn thiện. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

                        Th.S Lê Văn Sua  


[1] Báo Ấp Bắc số 3342, phát hành ngày 18/9/2015, tr9.

[2] Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 [3]Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

 [4] Điều 19. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

 [5] Điều 25. Miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

 [6] . Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục

[7] Phạm Văn Beo, Luật hình sự Việt Nam (Quyển 1), NXB CTQG, Hà Nội 2010, tr 448, 449.

[8] http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20050109/boi-thuong-oan-sai-con-duong-nhoc-nhan/62808.html

[9] http://vietnamese-law-consultancy.com/vietnamese/content/browse.php?action=shownews&category=&id=62&topicid=1346